Chuyển đổi số tác động quan trọng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Đối nội - Ngày đăng : 09:10, 19/08/2019
(BKTO) - Chuyển đổi số là một công cuộc nâng cấp toàn diện không chỉ năng lực sản xuất kinh doanh mà cả chiến lược thích ứng với đổi thay của thời đại để tăng sức cạnh tranh và phát triển của DN cả trong trước mắt và lâu dài. Các DN thường bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số theo 5 hướng chủ đạo: số hóa sản phẩm và dịch vụ; số hóa tiếp thị và kênh phân phối; số hóa hệ sinh thái; số hóa quy trình sản xuất và số hóa chuỗi cung ứng.
Nâng tầm tư duy chiến lược có vai trò rất lớn đối với công cuộc chuyển đổi số của các DN. Ảnh: TTXVN
Từ khảo sát trên 2.000 DN toàn cầu, Công ty Tư vấn McKinsey đưa ra ước tính, với nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một DN điển hình có thể tăng doanh số thêm 11,2%; lợi nhuận trước thuế và lãi lên 7,3%.
Dựa trên ước tính của McKinsey về tác động của chuyển đổi số tới kết quả kinh doanh, ta có thể xây dựng 3 kịch bản về tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả kinh doanh của 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500). Kịch bản 1 là nỗ lực chuyển đổi số của VNR500 ở mức như hiện nay, đạt khoảng 10% yêu cầu so với mức đáp ứng toàn diện. Kịch bản 2 là nỗ lực chuyển đổi số của VNR500 ở mức cao hơn hẳn hiện nay, đạt khoảng 20% yêu cầu so với mức đáp ứng toàn diện. Kịch bản 3 là nỗ lực chuyển đổi số của VNR500 chuyển biến vượt bậc, đạt khoảng 50% yêu cầu so với mức đáp ứng toàn diện.
Theo đó, ước tính được đưa ra là với nỗ lực vượt bậc (Kịch bản 3), VNR500 sẽ tăng doanh thu thêm 5,6% và lợi nhuận 3,65%, nhờ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP 1,3 điểm phần trăm với giá trị là 3,16 tỷ USD. Điều cần nhấn mạnh là ước tính này giả định các DN chưa đầu tư gì thêm, do vậy, nếu chuyển đổi số đi cùng các nỗ lực đầu tư phát triển khác sẽ còn tạo ra hiệu quả lớn hơn nhiều.
Có thể nói, nâng tầm tư duy chiến lược có vai trò rất lớn và ý nghĩa quyết định đến giá trị mang lại của công cuộc chuyển đổi số. Do đó, lãnh đạo mỗi DN cần nhận thức thấu đáo về xu thế phát triển và nâng cấp toàn diện tư duy chiến lược trong 7 nội dung.
Thứ nhất, xác định rõ tầm nhìn và định vị chiến lược cho DN trong hành trình phát triển phía trước. Sức cạnh tranh và phát triển của một DN phụ thuộc không chỉ vào nguồn lực hiện có mà quan trọng hơn, đó là tầm nhìn và định vị chiến lược của công ty. Sức mạnh này có thể tăng lên gấp bội và bền vững hơn nhiều nếu tầm nhìn có sức thôi thúc cao và định vị chiến lược thể hiện sự kết hợp thông tuệ giữa năng lực cốt lõi với xu thế thời đại.
Thứ hai, kiến tạo giá trị cần là mục tiêu cốt lõi và tiêu chí chủ đạo. Giá trị mà DN đem lại từ mỗi nỗ lực phát triển của mình được kiến tạo từ việc nâng cao hiệu quả vận hành, nâng cấp hiệu lực chiến lược và thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng. Nâng cao hiệu quả vận hành tăng lợi nhuận và giảm giá thành. Nâng cấp hiệu lực chiến lược gia cường sức cạnh tranh hiện tại và tương lai, đặc biệt trong đầu tư vào nền tảng phát triển lâu dài. Thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng làm sâu sắc mức độ gắn kết với khách hàng đối tác và cộng đồng xã hội. Nỗ lực này không chỉ tạo ra giá trị hữu hình mà cả giá trị vô hình, giúp DN có một vị thế xã hội được trân trọng và kỳ vọng hơn.
Thứ ba, hiểu rõ trở ngại chính yếu trong nỗ lực đi tới tầm nhìn chiến lược và phương cách vượt qua. Một DN dù đã thành công đến đâu cũng khó tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lâu dài nếu không thấu hiểu thách thức chính yếu mà DN phải vượt qua trên hành trình phía trước. Hạn chế của nhiều DN có khát vọng lớn là ỷ vào nguồn lực và kinh nghiệm làm nên thành công trong quá khứ để nắm bắt cơ hội mới, trong khi xem nhẹ những thách thức họ sẽ phải đương đầu và vượt qua. Nâng tầm chiến lược đòi hỏi lãnh đạo DN cần coi thách thức là trung tâm để huy động sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực hiện có và thời cơ mới xuất hiện nhằm vượt qua thách thức. Cách tiếp cận này giúp DN đi đến tương lai một cách vững chắc và mạnh mẽ hơn.
Thứ tư, coi trọng học hỏi, tương tác và phát triển hệ sinh thái. Thành công lâu dài của một DN tùy thuộc rất nhiều vào năng lực và nỗ lực học hỏi của cả tổ chức. Hơn thế nữa, tăng mức độ tương tác và phát triển hệ sinh thái giúp DN thuận lợi hơn để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội. Có 3 câu hỏi được đặt ra khi DN đứng trước một khó khăn nan giải là: Liệu có thể giải bài toán này bằng nỗ lực chuyển đổi số? Thế giới có bài học hay kinh nghiệm gì trong giải quyết bài toán này? Đâu là lời giải hay và vững bền nhất nếu cộng đồng DN cùng chính quyền địa phương và Chính phủ đồng lòng chung sức tìm phương kế?
Thứ năm, coi trọng tính minh bạch, sự trung thực và lòng tin của xã hội. Mỗi DN cần gìn giữ và nâng cao tính minh bạch, sự trung thực và lòng tin của xã hội với DN của mình. Những tài sản vô hình này về lâu dài có giá trị hơn mọi loại tài sản khác vì nếu để mất, DN sớm muộn cũng sa sút dù có nguồn lực và tài năng dồi dào đến đâu. Các DN Việt Nam cần coi đây là một lợi thế cạnh tranh đặc trưng cần được hết sức chăm lo, phát triển trong nỗ lực làm chủ thị trường nội địa cũng như thâm nhập thị trường khu vực và thế giới.
Thứ sáu, tránh các cạm bẫy chiến lược. Trong hơn 3 thập kỷ cải cách vừa qua, nhiều DN Việt Nam đã làm nên những kỳ tích phát triển đáng khâm phục. Những thành quả này sẽ trở thành nền tảng và động lực để các DN tiếp tục làm nên những kỳ tích mới, lớn lao hơn nếu vượt qua được 3 loại cạm bẫy chiến lược: cạm bẫy nguồn lực, cạm bẫy năng lực và cạm bẫy thế lực. Những cạm bẫy này được gọi là cạm bẫy chiến lược vì nếu mắc phải, DN sẽ kẹt vào các điểm “mù” chiến lược và trở nên thiếu sáng suốt, thậm chí mù quáng, trong các quyết định chiến lược.
Thứ bảy, cần có cách tiếp cận tổng hợp và toàn diện trong triển khai thực hiện. Để công cuộc chuyển đổi số thành công, DN cần nỗ lực tăng hệ số hiệu lực chuyển đổi số thông qua 2 phương thức chủ yếu là tăng mỗi thành tố trong 4 thành tố: áp lực, tầm nhìn, năng lực và điều kiện khuyến tạo; và giảm mỗi thành tố trong 2 thành tố: di sản cũ và tham nhũng.
PGS,TS. VŨ MINH KHƯƠNG
Đại học Quốc gia Singapore
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019