Doanh nghiệp cần nỗ lực để thích ứng với thị trường lao động cạnh tranh
Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 19/08/2019
(BKTO) - Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thị trường lao động cạnh tranh, bình đẳng, các DN có thể được trao quyền nhiều hơn thông qua cơ chế thỏa thuận với người lao động (NLĐ) từ tiền lương đến làm thêm giờ... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, các DN cũng phải đối diện với nhiều thách thức khi tham gia vào thị trường lao động này.
Việc xác định mức lương tối thiểu vẫn chưa được thống nhất để xác định căn cứ trả lương cho người lao động. Ảnh: TTXVN
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế đang hướng đến sự cạnh tranh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, việc thể hiện nguyên tắc này trong quan hệ lao động, giữa DN với NLĐ là vô cùng cần thiết. Tại nhiều hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (Dự thảo Luật) được tổ chức gần đây, vấn đề này cũng được đặt ra vô cùng bức thiết.
Trên thực tế, cơ chế thỏa thuận lương giữa DN và NLĐ đã được đặt ra từ lâu, song chưa thể thực hiện do vướng quy định cũng như chưa đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan. Đơn cử, việc xác định tiền lương tối thiểu, mức sống tối thiểu vẫn chưa tạo được cách hiểu thống nhất, dẫn đến việc xác định căn cứ để trả lương cho phù hợp gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Dự thảo Luật do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì xây dựng cũng đã đưa vấn đề này vào nội dung của Luật, nhằm tiếp tục thể chế chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực cho DN và NLĐ trong trả lương. Cụ thể, DN sẽ chủ động xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động; thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động. Đồng thời, DN phải tham khảo ý kiến tổ chức của NLĐ tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và công bố công khai tại nơi làm việc.
Làm rõ hơn về vấn đề này trong Dự thảo Luật, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, nội dung về tiền lương sẽ đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương. Trong đó, tiền lương của NLĐ được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và DN, theo cơ chế thị trường. “Mặc dù theo Dự thảo Luật, quy chế trả lương thuộc về quyền của DN, tuy nhiên, điều quan trọng là hai bên phải thương lượng với nhau để đạt được thỏa thuận” - ông Mai Đức Thiện cho biết.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng nhấn mạnh, dù hai bên được thỏa thuận về mức chi trả nhưng Nhà nước vẫn quy định tiền lương tối thiểu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ và không để DN trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu. Mức lương này cũng phải đáp ứng khả năng chi trả của DN. Bởi, nếu mức lương tối thiểu, vượt quá khả năng chi trả của DN thì sẽ không tạo ra năng suất, khả năng cạnh tranh giữa các thị trường, giữa các DN thì đây là yếu tố cần cân nhắc.
Thách thức đến từchính doanh nghiệp
Rõ ràng, mục tiêu hướng đến thị trường lao động cạnh tranh, bình đẳng của DN vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của chính DN. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này, về phía DN cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là khi Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều tác động trực tiếp đến lĩnh vực lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, xây dựng quan hệ lao động bình đẳng, lành mạnh là một trong những yêu cầu và là cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định. Cụ thể, khi tham gia CPTPP, yêu cầu thương lượng trong quan hệ lao động là yêu cầu bắt buộc. Trong Dự thảo Luật, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương mở rộng khung thỏa thuận giữa DN và NLĐ nhằm tăng sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và NLĐ cũng được nâng cao thu nhập khi làm thêm giờ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quân, nếu như việc chủ động xây dựng thang, bảng lương là khả thi với DN thì việc mở rộng khung thỏa thuận với NLĐ sẽ khiến DN gặp khó khăn, ít nhất là về mặt chi phí, khi NLĐ có quyền đòi hỏi cao hơn để làm thêm giờ. Bởi, một trong những điều kiện bắt buộc để DN tiến hành làm thêm giờ, đó là phải được sự đồng ý của NLĐ.
Bên cạnh vấn đề thương lượng trong quan hệ lao động, một trong những thách thức mà DN phải đối diện, đó là xu hướng dịch chuyển lao động giữa các khu vực. Theo TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH), đặc trưng của các DN trong nước, đó là sử dụng lao động phổ thông giá rẻ, trình độ thấp. Trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các DN Việt sẽ khó cạnh tranh được với DN nước ngoài. “Ở đâu có điều kiện làm việc tốt hơn, lao động sẽ di chuyển sang đó. Đây là đặc trưng của thị trường lao động cạnh tranh mà DN cần biết và có sự chuẩn bị tốt ngay từ lúc này” - TS. Hùng lưu ý.
Mặt khác, trong khi các DN nước ngoài đến Việt Nam có xu hướng tham gia ngày càng sâu vào quá trình đào tạo lao động, thì DN trong nước dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”, không mặn mà với công tác này, vì ngại tốn kém, mất thời gian. Do đó, theo TS. Vũ Xuân Hùng, khi thị trường lao động ngày càng chuyên nghiệp, sức cạnh tranh cao hơn, nhưng DN Việt không thay đổi thói quen tuyển dụng, không có sự đầu tư cho lực lượng lao động thông qua đào tạo, thì quá trình tham gia vào thị trường lao động sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là sẽ “thua trên sân nhà”.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019