Giải quyết rác thải nhựa đại dương: Cuộc chiến không của riêng ai

Xã hội - Ngày đăng : 09:40, 19/08/2019

(BKTO) - Một số kết quả nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy, hơn 50% tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương đến từ các nước thuộc khu vực biển Đông Á, trong đó có Việt Nam.


Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, được Chính phủ các nước hết sức quan tâm. Đây không chỉ là vấn nạn lớn, phức tạp ở quy mô, phạm vi mà còn cả về mặt tri thức, hiểu biết cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi, đặc biệt là những tác động của nó đến các hoạt động kinh tế - xã hội và sức khoẻ con người, đòi hỏi sự chung tay của mỗi người dân, DN và mỗi quốc gia.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển

Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức bảo tồn Ocean Conservacy, 5 nước châu Á gồm: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cũng cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển. Mỗi năm, nước ta xả ra đại dương từ 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển toàn thế giới.

Kết quả điều tra và phân tích của AlphaBeta năm 2017 cũng cho thấy, Việt Nam có 2,26 triệu tấn rác thải nhựa. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,22 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 54%) được thu gom. Ngay cả với số rác thải nhựa đã thu gom, việc xử lý hoặc tái chế cũng chưa được thực hiện kịp thời. Những rò rỉ từ các khâu thu mua, vận chuyển, tái chế hay xử lý đã khiến 13% rác thải thu gom, tương đương 160.000 tấn trở lại môi trường và trôi ra biển theo các cửa sông. Riêng ở các vùng ven biển, vùng nông thôn, điểm tập kết rác thường là những dòng sông - nơi rác thải nhựa theo dòng chảy ra biển.

Theo Giám đốc AlphaBeta - TS. Fraser Thompson, nguyên nhân của thực trạng trên là do quá trình thu gom, xử lý rác thải nhựa của Việt Nam mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Chưa kể, 60% hoạt động này đều ở quy mô nhỏ và rất nhỏ, dẫn đến tác động của nó cũng ở mức độ khiêm tốn. Đáng chú ý, những hoạt động như các hình thức đóng gói bao bì mới, sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế… vẫn còn khá khiêm tốn ở Việt Nam khi mới đạt tỷ lệ từ 2 - 3% tiềm năng.

Thậm chí, TS. Fraser Thompson còn chỉ ra rằng, rác thải nhựa đại dương ở quốc gia này có thể xuất phát từ nhiều quốc gia khác. Trong đó, độ phức tạp trong các loại rác thải nhựa vốn liên quan đến sản phẩm tiêu dùng của các DN xuyên quốc gia có các cơ sở sản xuất trên quy mô toàn cầu, khiến chính phủ mỗi nước không thể tự giải quyết được vấn đề.

Cần thúc đẩy cơ chếhợp tác toàn cầuvề giảm chất thải nhựa

Trên thế giới, nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau đã được phát động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương, từ việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật đến các dự án cụ thể về thu gom, xử lý rác thải nhựa với sự tham gia sâu rộng của các cộng đồng, các tổ chức quốc tế, các chíh phủ, phi chính phủ và khối tư nhân.

Để có cách làm phù hợp với điều kiện riêng biệt của mình, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm quản lý từ những công cụ chính sách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công. Chẳng hạn, nước Anh đã xây dựng những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng nhựa, hướng dẫn về dữ liệu trong đóng gói sản phẩm. Qua đó, nước này đã xác định được những công ty có doanh thu hơn 3,7 triệu USD, sử dụng 50 tấn nguyên liệu đóng gói mỗi năm sẽ cần phải báo cáo với Chính phủ về dữ liệu nhựa đóng gói. Còn tại Nhật Bản, nước này có Luật Tái chế bao bì và vật liệu đóng gói, đồng thời tạo ra khung báo cáo chuẩn để DN thực hiện...

Thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương. Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2018 tại Canada, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến các nước G7 về việc cần thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch. Tại Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu GEF diễn ra vào tháng 6/2018 tại Đà Nẵng, Việt Nam tiếp tục đề xuất sáng kiến thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các quốc gia biển Đông Á để quản lý rác thải nhựa đại dương. Gần đây, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tháng 6/2019 ở Nhật Bản, Việt Nam đề xuất cần thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển, đại dương, tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Giải quyết rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam và ASEAN”, tham vấn ý kiến các bên nhằm hoàn thiện bản Kế hoạch. Bộ cũng dự kiến sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương và lập một cơ sở dữ liệu mở để mở rộng hợp tác quốc tế về vấn đề này.

Theo đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa đang rất cần sự chung tay của các bên liên quan, bao gồm: Nhà nước, DN và các tổ chức xã hội. Thực tế cho thấy, vai trò của DN đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là trong các nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Thậm chí, theo TS. Fraser Thompson, các nước cần quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, bằng cách tính thêm phí môi trường vào chi phí làm ra sản phẩm, buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm về sản phẩm trong suốt vòng đời của nó.

XUÂN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019