Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030

Xã hội - Ngày đăng : 08:45, 22/08/2019

(BKTO) - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đang xây dựng dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030.


Đối tượng áp dụng là các cơ sở GDNN trên cả nước (không bao gồm trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm).

Theo Bộ LĐ,TB&XH, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập thực hiện theo lộ trình và bảo đảm mục tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021, 2025 và 2030; không sáp nhập, giải thể một cách cơ học; chỉ tổ chức sắp xếp nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm quyền lợi của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động.
                
   

Việc sắp xếp hệ thống trường nghề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp

   
Theo đó, Bộ LĐ,TB&XH đưa ra phương án sắp xếp đối với từng loại hình cơ sở GDNN. Cụ thể: Cơ cấu lại hoặc giải thể các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả theo quy định của pháp luật hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN theo quy định; sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập, trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn.

Đồng thời, từng bước chuyển cơ sở GDNN công lập thuộc các Bộ, ngành Trung ương về chính quyền địa phương quản lý đối với các cơ sở GDNN đóng trên địa bàn các địa phương mà có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các cơ sở GDNN do địa phương quản lý.

Đối với các cơ sở GDNN công lập đang hoạt động có hiệu quả, đã tự chủ; các trường đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại.

Bên cạnh đó, thực hiện sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện và hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp để tổ chức đào tạo theo quy định.

Đối với các trường công lập đào tạo các ngành, nghề, đối tượng đặc thù (trường dân tộc thiểu số, trường dạy nghề cho người tàn tật, trường thủ công mỹ nghệ, trường đào tạo các nghề phục vụ kinh tế biển…), sẽ xây dựng đề án phát triển và nâng cao chất lượng làm căn cứ đầu tư vào giao kinh phí hoạt động thường xuyên.

Đặc biệt, đề án khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên DN thành lập cơ sở GDNN.
         
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2021, quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm, đạt 4,6 triệu người mỗi năm vào năm 2025 và 6,3 triệu người mỗi năm vào năm 2030.

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC