Hội nghị thường niên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:15, 24/08/2019
(BKTO) - Ngày 23/8/2019, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức Hội nghị thường niên DN kinh doanh dịch vụ kế toán.
Tham dự Hội nghị có ông Vũ Đức Chính- Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), PGS. TS Đặng Văn Thanh- Chủ tịch VAA, cùng các lãnh đạo, chuyên viên các đơn vịcủa Bộ Tài chính và gần 100 DN hành nghề dịch vụ kế toán.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VAA |
Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, dịch vụ kế toán, kiểm toáncòn khá mới ở Việt Nam, chính thức được đưa vào quản lý từ 12 năm nay. Xét theo khái niệm dịch vụ kế toán, hiện nay Việt Nam có ít nhất 5 chủ thể đang hoạt động, gồm: các công ty có đăng ký hành nghề kế toán với Bộ Tài chính; các công ty kiểm toán có cung cấp dịch vụ kế toán; công ty đăng ký dịch vụ lĩnh vực khác nhưng có cung cấp dịch vụ kế toán; các kế toán không được cấp phép hành nghề nhưng vẫn làm dịch vụ kế toán và các đại lý thuế. Đây là hội nghị của những công ty và cá nhân có đăng ký hành nghề được Bộ Tài chính chấp thuận.
Theo báo cáo tổng kết công tác quản lý hành nghề và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán năm 2018, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước đã có 299 giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được cấp cho các kế toán viên hành nghề tại các DN dịch vụ kế toán; có 78 DN kinh doanh dịch vụ kế toán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, với số lượng nhân viên tại các doanh nghiệp dịch vụ kế toán là 2.043 người. Hoạt động kiểm tra dịch vụ kế toán tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán được VAA thực hiện theo đúng Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán ban hành theo Quyết định 32/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.
Bên cạnh những kết quả tích cực của thị trường dịch vụ kế toán, các đại biểu tham dự Hội nghị phản ánh những tồn tại, vướng mắc, cụ thể như: các cá nhân, tổ chức không đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán nhưng vẫn cung cấp dịch vụ kế toán; cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc hạ giá phí, dẫn tới không đảm bảo chất lượng dịch vụ; chính sách thuế thay đổi liên tục, có điểm chưa rõ ràng khiến DN và cán bộ thuế có cách hiểu khác nhau, mất nhiều thời gian trong việc giải trình số liệu khi thanh, kiểm tra quyết toán thuế cho khách hàng.
Đại diện một số công ty dịch vụ kế toán cũng kiến nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề kế toán; có biện pháp, chế tài xử phạt nghiêm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện nhưng vẫn cung cấp dịch vụ kế toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp kế toán. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cập nhật hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp đã ban hành và ban hành mới các chuẩn mực chưa có; hoàn thiện các văn bản pháp lý về trách nhiệm của các công ty dịch vụ kế toán đối với dịch vụ kế toán; giảm bớt các báo cáo hoặc tập hợp các báo cáo nộp đúng thời điểm tránh bỏ sót báo cáo; cho phép hành nghề kế toán với hình thức công ty TNHH một thành viên. Bộ Tài chính và VAA cần tiến hành các thủ tục cần thiết để chứng chỉ kế toán viên của Việt Nam được thừa nhận rộng rãi ở các quốc gia khu vực và thế giới.
Lệ Dung