Quản lý tiền ảo: Thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý
Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 26/08/2019
(BKTO) - Tiền điện tử (tiền ảo) được xem là bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa của tiền tệ, khi việc sử dụng tiền mặt giảm dần và các hình thức thanh toán mới ngày càng phổ biến. Hiện nay, những giao dịch liên quan đến tiền điện tử vẫn đang diễn ra tại Việt Nam, bất chấp hàng loạt rủi ro và hệ lụy. Trong khi đó, Chính phủ vẫn chưa có chính sách để quản lý về loại tiền này. Làm thế nào để quản lý hiệu quả và hạn chế được những rủi ro của tiền ảo đang là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Khoảng trống pháp lývề giao dịch tiền ảo
Tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Đây được xem là một trong những hành động quyết liệt nhất của Chính phủ trong vấn đề quản lý tiền ảo, sau vụ việc người dân ở Bến Tre mất 15.000 tỷ đồng khi tham gia mô hình đa cấp tiền ảo của Modern Tech.
Cũng tại thời điểm đó, để hạn chế rủi ro, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế nhập khẩu, quản lý các thiết bị máy móc cho mục đích đào tiền ảo. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan phải tăng cường điều tra và phối hợp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Tuy nhiên, những hành động kể trên chỉ là yếu tố tức thời, bởi cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy định chính thức về giao dịch tiền ảo. Phát biểu tại Hội thảo “Ngăn chặn khủng hoảng tài chính và tương lai của tiền tệ - tiền điện tử”, ông Nguyễn Cảnh Thăng - Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) - đánh giá, đến nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào chính thức quy định về tiền ảo, tài sản ảo. Chúng ta đang có khoảng trống rất lớn liên quan đến vấn đề này. Tại các văn bản pháp luật về tín dụng ngân hàng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng, pháp luật về ngoại hối và các quy định pháp luật liên quan khác, tài sản ảo hay tiền ảo không được xem là tiền hay là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Theo ông Nguyễn Cảnh Thăng, trong thực tế, những giao dịch liên quan đến tiền ảo vẫn diễn ra và không có quy định pháp lý, các vụ việc xấu vẫn phát sinh nhưng không có căn cứ để xử lý vi phạm. Hiện nay, khung pháp lý để thử nghiệm công nghệ ngân hàng mới chỉ được NHNN nghiên cứu, hoàn thiện. Vì vậy, cơ chế ứng xử với tiền ảo, tài sản ảo đang là một yêu cầu đặt ra trong quản lý, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh trong thanh toán hay vấn đề liên quan đến tiền tệ.
Ngoài ra, để hoàn thiện pháp lý quản lý về tiền ảo, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu và xây dựng khuôn khổ pháp lý trên nền tảng hiện hành.
Cần thận trọng khi xây dựng khung pháp lý về tiền ảo
Tại Hội thảo, ông John Mongerlard - Giám đốc chuyên môn của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) - cho biết, hiện tiền ảo mới chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tế, giới phân tích cũng chưa thể nhận định cụ thể liệu tiền mã hóa hay tiền ảo trong tương lai có thay thế cho tiền mặt không, do đó, các quốc gia cần phải sớm chuẩn bị cho việc này.
Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan đến tiền ảo, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý thị trường giao dịch trong thực tế đối với loại tiền này, ông Nguyễn Cảnh Thăng cho rằng: Chính phủ cần có định hướng xây dựng cơ chế pháp lý thử nghiệm để tổng kết và ban hành quy định pháp luật, hoặc phải sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện chế tài, có khung pháp lý, thậm chí phải có cả quy định trong Luật Hình sự đối với giao dịch tiền ảo. Đây là một vấn đề mới đặt ra với các cơ quan nghiên cứu trong hoàn thiện pháp luật.
Đại diện của Bộ Tư pháp nhấn mạnh, yêu cầu thực tiễn và khoảng trống pháp lý cho thấy Việt Nam rất cần hoàn thiện quy định pháp luật về tài sản ảo. Thế nhưng, ở nước ta và ngay cả trên thế giới, vấn đề này vẫn còn rất mới nên sẽ là thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách. Thực tế, nhiều nước trong khu vực cũng chưa có quy định cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã ban hành quy định nhưng cũng chỉ là bước đầu, mang tính tạo cơ chế thử nghiệm, thí điểm. Do đó, Việt Nam cần phải nghiên cứu hoạt động này một cách thận trọng bởi tiền ảo và tài sản ảo là lĩnh vực tạo nhiều cơ hội phát triển, thu hút vốn đầu tư, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện nay, nhiều Bộ, ngành đã bắt đầu triển khai đề án quản lý tiền ảo, tài sản ảo. Hy vọng thời gian tới, các cơ quan có thể có những đề xuất cụ thể và khả thi hơn trong việc quản lý lĩnh vực này.
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22-8-2019