Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 26/08/2019
(BKTO) - Tại Việt Nam, những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, khó lường, trái với quy luật của tự nhiên và gây ảnh hưởng vô cùng lớn, đòi hỏi phải áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) trong dự báo, cảnh báo, ứng phó. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, để thực hiện giải pháp này, Việt Nam cần thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng KHCN.
Công nghệ cảnh báo thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu
Những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, lũ, sạt lở… diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Chỉ tính riêng năm 2018, thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ước khoảng 20.000 tỷ đồng (mức thiệt hại này chỉ bằng 1/3 so với năm 2017).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam đang ứng dụng nhiều công nghệ trong dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, những công nghệ này còn nhiều hạn chế khiến việc dự báo, cảnh báo chưa đạt độ chính xác cao. Đơn cử, bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay có phạm vi quá rộng nên chưa cảnh báo sớm các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) Đoàn Thị Tuyết Nga cho hay, hiện bản đồ ngập lụt, nước biển dâng đã được cung cấp cho 28 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Đồng thời, xây dựng 5 kịch bản điển hình cho các cấp bão từ 13 - 16 kết hợp triều cường là những kết quả trong công tác ứng dụng KHCN trong phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, các kỹ thuật mới về đê điều; phòng, chống sạt lở của các nước tiên tiến… cũng đã được áp dụng và có thể triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, việc xử lý xói mòn, bồi lấp bờ biển, vùng cửa sông miền Trung hiện nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, căn cơ. Mặt khác, việc xử lý bờ biển, bờ sông tại Đồng bằng sông Cửu Long còn những hạn chế do thiếu cát, thiếu nước dẫn đến tình trạng sạt lở vẫn diễn ra liên tục hằng năm. Các giải pháp công nghệ mới tuy đã được áp dụng song vẫn chưa có các tiêu chuẩn; đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực tư nhân, xã hội hóa trong phòng, chống thiên tai còn khó khăn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, việc ứng dụng KHCN trong phòng, chống thiên tai ở Việt Nam còn hạn chế. Những tình huống đối phó với thiên tai lớn, phạm vi rộng hoặc cục bộ chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu trang thiết bị chuyên dùng để kịp thời phát hiện, ứng phó có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng khoa học công nghệ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai - cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực đảm bảo cung cấp khoảng 1,5% tổng chi NSNN cho KHCN. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta chưa có một hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiện đại nào. Thậm chí, chưa thực sự có một hệ thống cảnh báo lũ quét, sụt lở với công nghệ hiện đại nào được đưa vào sử dụng. Theo ông Cường, ở các nước châu Âu, hệ thống đê di động, lắp ghép đã có từ hơn 50 năm trước, còn tại Việt Nam, việc hàn khẩu đê sông Hồng tại các cửa khẩu của Hà Nội, hay nâng cao công trình đỉnh đê sông Bùi năm 2018 được thực hiện hết sức thủ công là sử dụng các bao tải cát… Hiện nay, Việt Nam mới đang trong giai đoạn thử nghiệm các giải pháp giảm sóng, gây bồi, tạo bãi, bảo vệ bờ…
Trước đòi hỏi cấp bách về phòng, chống và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng các giải pháp KHCN là yêu cầu hàng đầu. Tuy nhiên, giải pháp này cần có nguồn lực lớn. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Việt Nam cần thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng KHCN trong phòng, chống thiên tai. Theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Đào Xuân Học, các giải pháp khoa học áp dụng cho các khu vực miền núi không thể đủ kinh phí nên điều quan trọng vẫn là ý thức của người dân cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để chủ động phòng tránh. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn khó khăn, việc áp dụng giải pháp KHCN phải phù hợp với kinh phí và điều kiện của Việt Nam, điều này cũng phụ thuộc vào sự sáng tạo, nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học.
Nhấn mạnh về việc thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, ứng dụng KHCN phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, công tác này đòi hỏi phải đẩy mạnh xã hội hóa với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng, chống thiên tai của các DN, người dân. Ứng phó, thích ứng với thiên tai đã trở thành nội dung thường xuyên trong quá trình tồn tại và phát triển. Để phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả, cần phải có nhiều nhóm giải pháp, nhưng bất kỳ giải pháp nào cũng phải gắn với ứng dụng KHCN, bởi, KHCN là một trong những giải pháp phù hợp và hợp lý nhất.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22/8/2019