Kiểm toán chuyên đề “Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015”
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:40, 10/03/2016
(BKTO)- Nhằm mục tiêu ưu tiên kiểm toán việcthực hiện các chính sách, chế độ,chương trình và dự án trong cả giai đoạn2011-2015, đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến tái cơcấu nền kinh tế, năm 2016, KTNN tiếptục thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề “Đề án tái cơ cấu DNNNgiai đoạn 2011-2015”. Đây là một trong các cuộc kiểm toán hoạt động quy mô lớnđược KTNN chú trọng triển khai từ năm 2015.
Kết quả kiểm toán sẽ đánh giá công cuộc tái cơ cấu DNNN có thành công như kỳ vọng đặt ra hay không.Ảnh: TS
Tái cơ cấu DNNN là tất yếu
Nhận định về hoạt động của DNNN, nhiều chuyên gia kinh tế đã từng nhấn mạnh, hạn chế thứ nhất của khu vực DNNN là quy mô tổng thể của DNNN quá lớn nên phải tái cơ cấu để thu gọn đầu mối DNNN, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh theo chiều sâu chứ không phát triển theo chiều rộng. Thêm nữa, DNNN đã tham gia vào nhiều ngành nghề mà tư nhân có thể làm được; cơ cấu bất hợp lý giữa các lĩnh vực mà DNNN tham gia (công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ); cũng như giữa các ngành nghề (nhiều DNNN đầu tư vào các ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản…). Thứ ba là tình trạng đầu tư dàn trải, năng lực cạnh tranh thấp. Do vậy, bắt buộc phải tái cơ cấu để đầu tư có tập trung, cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật, công nghệ của DNNN lạc hậu, làm mất dần tính hiệu quả của sản xuất, kinh doanh, trong khi những thành phần kinh tế khác (như DN tư nhân lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài) đầu tư rất mạnh cho kỹ thuật, công nghệ để đẩy năng suất lên rất cao. Những nguyên nhân này khiến cho DNNN thiếu vốn kinh doanh (do đã đầu tư dàn trải), sức cạnh tranh của DNNN trên thị trường thế giới thấp, hạn chế trong việc thực hiện vai trò định hướng, điều tiết kinh tế vĩ mô, đầu tàu kinh tế dẫn dắt, mờ nhạt trong vai trò thúc đẩy tăng trưởng. Một số DNNN chỉ định hướng, điều tiết được khi độc quyền.
Đảng và Nhà nước đã nhận ra những tồn tại, hạn chế trên và quyết tâm thực hiện công cuộc tái cơ cấu DNNN. Nhiều văn bản, nghị quyết đã được ban hành, đáng chú ý như Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị); Quyết định 929 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”; Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với mục tiêu chính là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước.
Kiểm toán phục vụ đánh giá kết quả tái cơ cấu
Năm 2015, KTNN đã kiểm toán việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 tại một số DN. Chia sẻ về những phát hiện nổi bật qua kiểm toán chuyên đề “Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015”, đại diện KTNN chuyên ngành VI - đơn vị được lãnh đạo KTNN giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong ngành thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề này, cho biết, qua kiểm toán cho thấy cơ chế chính sách về quản lý DNNN sau cổ phần hóa đã liên tục được hoàn thiện. Chưa có giai đoạn nào, thời kỳ nào mà văn bản quy phạm của Chính phủ, của các Bộ ngành về cổ phần hóa, về thoái vốn, về xúc tiến thay đổi quản lý, quản trị DN… được ban hành để quản lý DN nhiều đến như vậy. Đồng thời, sức cạnh tranh của DNNN sau tái cơ cấu từng bước được cải thiện đáng kể, mang lại hiệu quả cho DN cho dù những phương án, đề án tái cơ cấu thực chất chỉ bắt đầu từ khoảng năm 2013 đến 2015.
Một phát hiện nổi bật nữa là không còn tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành vào những lĩnh vực không phải lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Từ khi có chủ trương hạn chế đầu tư ngoài ngành, các tập đoàn, tổng công ty dừng đầu tư ra ngoài ngành. Tất cả những khoản đầu tư đều đã thực hiện trước khi có Đề án tái cơ cấu DNNN.
Qua kiểm toán năm 2015, KTNN cũng phát hiện một số tồn tại lớn. Chẳng hạn, việc ban hành cơ chế chính sách, tuy rất nhiều về số lượng, nhưng vẫn còn thiếu, chưa bao quát được toàn diện. Cơ chế chính sách ban hành hầu hết là chậm, không đúng kế hoạch, thiếu những văn bản hướng dẫn. Một số cơ chế, chính sách ban hành kịp thời nhưng tính khả thi lại thấp, không áp dụng được; có những văn bản mới mâu thuẫn với các văn bản khác. Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án tái cơ cấu của một số tập đoàn, tổng công ty không thực chất, không có số liệu, dữ liệu, phân tích, đánh giá; hầu hết các DN không có cơ sở để xây dựng Đề án, cơ sở đưa ra phương án thoái vốn; chưa nghiêm túc trong việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan để chỉnh sửa Đề án.
Năm 2016, KTNN chuyên ngành VI tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong ngành thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề “Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015”. Đại diện của KTNN chuyên ngành VI cho biết, thông qua cuộc kiểm toán này, KTNN sẽ đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.
Đối với những DN là đối tượng kiểm toán của cuộc kiểm toán này trong năm 2016, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN trong cả giai đoạn từ 2011-2016, bởi thực tế, quá trình tái cơ cấu DNNN không chỉ dừng lại ở mốc ngày 31/12/2015 mà còn tiếp tục kéo dài đến năm 2020. Đồng thời, KTNN sẽ tiếp tục kiểm toán những nội dung chưa xem xét, đánh giá hết tại các DN đã được kiểm toán trong năm 2015. Đặc biệt, KTNN chuyển sang đưa nội dung trọng tâm kiểm toán là thoái vốn thay vì tập trung kiểm toán đầu tư ngoài ngành như trước.
Triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề “Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015”, KTNN kỳ vọng sẽ chỉ ra được nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế khi các DNNN thực hiện Đề án quan trọng này, đồng thời đánh giá xem những tồn tại, hạn chế đó có khắc phục được hay không hoặc chỉ khắc phục được một phần. Từ kết quả kiểm toán, KTNN sẽ đưa ra những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, vướng mắc đã phát hiện trong giai đoạn 2016 trở về trước, để giai đoạn tái cơ cấu sau năm 2016 thành công hơn. Đây cũng sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá công cuộc tái cơ cấu DNNN.
HỒNG THOAN