Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường mua bán nợ

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 17:40, 10/03/2016

(BKTO) - Nợ xấu của nhiềungân hàng dù đã giảm đáng kể nhưng việc xử lý dứt điểm các khoản nợ vẫn cònnhiều bất cập. Bởi vậy, Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanhhoạt động mua bán nợ do Ngân hàng Nhànước làm đầu mối xây dựng đã trao thêm quyền cho Công ty Quản lý nợ và khai tháctài sản của các ngân hàng (AMC). Điều này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạođiều kiện thuận lợi cho thị trường mua bán nợ phát triển, góp phần xử lý tốtcác khoản nợ xấu.


Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã về dưới 3% nhưng hoạt động mua bán nợ vẫn còn nhiều bất cập.Ảnh: TK

Hoạt động mua bán nợ còn nhiều bất cập

Đến thời điểm này, phần lớn các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính năm 2015. Một trong những điểm nhấn của các báo cáo này là tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%. Chẳng hạn, nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển (BIDV) là 1,62%, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là 1,6%, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là 0,91%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 1,66%, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 2%... Đây là minh chứng cho những nỗ lực của các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu thời gian qua.

Theo các chuyên gia, các ngân hàng xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu bằng hình thức bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu đã mua của VAMC vẫn còn những hạn chế bởi VAMC không có quyền chủ động để xử lý nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo; việc định giá khoản nợ đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá còn phức tạp… Trong khi đó, quá trình tự xử lý nợ xấu của các ngân hàng mới chỉ là hình thức đẩy những khoản nợ xấu của mình khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng; tức là tạm thời khoanh, giữ lại nợ xấu, giảm nợ xấu trên sổ sách. Bên cạnh đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) mặc dù muốn mở rộng hoạt động, mua bán các khoản nợ thương mại ngoài khu vực Nhà nước nhưng do vốn ít và vướng mắc về cơ chế nên vẫn chủ yếu xử lý nợ ở khu vực DN.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cũng như của nhiều ngân hàng đã về dưới 3% nhưng thực chất, hoạt động mua bán nợ để xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu vẫn còn nhiều bất cập. Đây là lý do để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có những chỉ đạo, định hướng sát sao đối với vấn đề xử lý nợ xấu.

Tín hiệu tích cực cho thị trường mua bán nợ?

Ngay từ đầu năm 2016, bên cạnh việc ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, trong đó yêu cầu các TCTD tập trung nguồn lực và biện pháp để xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng, NHNN đã công bố dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Dự thảo Nghị định này đã trao thêm quyền cho AMC trong vấn đề xử lý nợ xấu, cho phép AMC được hoạt động như một DN mua bán nợ chuyên nghiệp nhưng việc thành lập, hoạt động vẫn thực hiện theo Luật Các TCTD và hướng dẫn của NHNN. Theo đó, các món nợ sẽ được mua bán như một hàng hóa thông thường, bên bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua và nhận thanh toán bằng tiền của bên mua nợ.

Trên thị trường hiện có khoảng 18 AMC đang hoạt động nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, hoạt động của các công ty này thời gian qua chưa mang lại hiệu quả. Trước đây, việc mua bán nợ mới chỉ là giao dịch giữa AMC và chính ngân hàng mẹ. Nói theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hoạt động của AMC vẫn chỉ mang tính chất như “phòng thu nợ” cho ngân hàng mẹ. Có thời điểm các ngân hàng rất muốn mua bán nợ xấu lẫn nhau và để các AMC “bắt tay” nhau nhưng do vướng mắc về cơ chế nên không thực hiện được.

Vậy những hạn chế trên liệu có được khắc phục nếu dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợđược thông qua trong thời gian tới? Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Makerting, nhận định: Trước đây, AMC làm nhiệm vụ mua nợ của bản thân các ngân hàng thương mại mẹ để quản lý tài sản và xử lý tài sản chứ bản chất không phải là công ty mua bán nợ chuyên nghiệp. Do đó, nếu dự thảo Nghị định được thông qua sẽ tạo ra thị trường mua bán nợ của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại. Đó là hướng mở để cho các ngân hàng có thể giải quyết tốt các khoản nợ xấu.

Việc trao thêm quyền hạn cho AMC nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát theo Luật Các TCTD và hướng dẫn của NHNN sẽ giúp cho các AMC ngày hoàn thiện và đi vào hoạt động thực chất hơn. “Trên cơ sở các quyền hạn được trao, AMC sẽ xây dựng cơ chế chuyên nghiệp trong định giá, trong thao tác xử lý nợ và nắm bắt điểm yếu của thị trường liên quan đến nhu cầu của họ để tồn tại, phát triển chứ không phải là những pháp nhân trên giấy như hiện nay”- Giám đốc Công ty Luật Basico Trần Minh Hải nhận định.

Như vậy, nếu dự thảo Nghị định trên được thông qua, hoạt động mua bán nợ có thể hướng đến như một sàn giao dịch nợ. Đây được coi là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường mua bán nợ phát triển, giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

THÀNH ĐỨC