Cổ phần hóa DNNN: Đúng pháp luật chưa đủ, cần phải thực hiện nhanh hơn nữa

Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 03/09/2019

(BKTO) - Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu thay thế, cách chức cá nhân không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành vi cản trở làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thấy việc xử lý hầu như chưa có trường hợp nào. Thực trạng trên đã được nêu ra thẳng thắn tại Tọa đàm: “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh” được tổ chức mới đây.



Tiến độ cổ phần hóa các DNNN vẫn còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Chậm cổ phần hóa vì có những nguyên nhân “tế nhị”

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất song tiến độ vẫn còn chậm. Đến nay, việc cổ phần hóa mới chỉ hoàn thành ở 35/127 DN, đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 88/403 DN, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Phạm Đức Trung nhận định: Về nguyên nhân chậm trễ, trước hết chúng ta phải nhìn nhận một yếu tố khách quan từ thị trường, khả năng hấp thụ của thị trường, hiệu quả của DNNN trước cổ phần hóa chưa đủ sức để hút các nhà đầu tư. Thứ hai, về chính sách cổ phần hóa, các quy định về cổ phần hóa DNNN thời gian qua đã có nhiều đổi mới, gây ra sự lúng túng nhất định đối với công tác tổ chức thực hiện từ các DN cũng như các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thứ ba là tổ chức thực hiện. Rõ ràng, nỗ lực chỉ đạo, nỗ lực cổ phần hóa, thoái vốn chưa ở mức cao, chưa quyết liệt như Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Nguyễn Hồng Long cho biết, vướng mắc nhất bây giờ là phương án sử dụng đất. Đất đai của DNNN là một quá trình từ mấy chục năm, tồn tại rất nhiều vấn đề mà bản thân DN phải xử lý. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho rằng, đất đai của khu vực DNNN có phạm vi lớn, việc rà soát, chấp hành không quyết liệt, các DN không làm đúng theo quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn về sắp xếp nhà đất.

Theo ông Tiến, Thủ tướng Chính phủ đã giao việc phê duyệt phương án sử dụng đất là trách nhiệm của các địa phương và trong thông báo mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu các địa phương phải quyết liệt trong vấn đề này. Như vậy, đầu tiên là trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan đại diện sở hữu với UBND các tỉnh, thành phố chưa được nhuần nhuyễn. Ngay ở thành phố, khi cổ phần hóa DN trên địa bàn, nếu chủ tịch đại diện chủ sở hữu không quyết liệt thì các sở, ban, ngành cũng chậm.

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, một lý do làm chậm cổ phần hóa vẫn tiếp tục được chỉ ra, đó là người đứng đầu DN có tâm lý e ngại vì sợ mất chỗ. Ông Nguyễn Hồng Long thừa nhận: đây đúng là vấn đề tế nhị nhưng không thể không nói tới. Bởi lẽ, cần phải xác định, bên cạnh yếu tố về thể chế, thị trường, thì vai trò của cá nhân cũng rất quan trọng trong tiến trình cổ phần hóa. Theo ông Long, tâm lý sợ mất chỗ, mất quyền lợi cũng phần nào do cơ chế. “Nếu chúng ta có cơ chế rõ ràng hơn đối với những người giữ trọng trách ở các tập đoàn, tổng công ty sau cổ phần hóa thì anh em sẽ yên tâm hơn. Vấn đề ở đây là làm tốt công tác tư tưởng, công tác cán bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ” - ông Long nhấn mạnh.

Không chỉ làm đúng mà cần phải làm nhanh hơn nữa

Để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn về đích đúng tiến độ, theo ông Nguyễn Hồng Long, các cấp quản lý, các tập đoàn, tổng công ty cần có sự quyết liệt, tinh thần trách nhiệm rất cao. Đặc biệt, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM cần đẩy nhanh tiến độ về việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các DN cổ phần hóa trực thuộc, DN thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn; thực hiện các công việc cần thiết để triển khai ngay kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn điều chỉnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long kiến nghị: Khi mà kế hoạch, danh mục cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho cả giai đoạn, Nhà nước cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ, ngành và các bên liên quan. Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật thì cần quy định rõ thẩm quyền do ai, phải đề xuất phương án xử lý cũng như người có đủ thẩm quyền phê duyệt.

Ông Phạm Đức Trung thẳng thắn cho rằng, giải pháp đã có rất nhiều, lãnh đạo Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu thay thế, cách chức những cá nhân không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi cản trở làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thấy việc xử lý hầu như chưa có trường hợp nào. Bởi vậy, ông Trung đề xuất, cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý, không chỉ đối với người đứng đầu của DN mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa.

Đại diện cơ quan tham mưu, ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Tới đây, khi sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh phân cấp trách nhiệm cho địa phương phối hợp với DN. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sớm có quy trình để các DN biết phải chuẩn bị bao lâu, từ đó DN ước lượng được thời gian, khối lượng công việc và nguồn lực để triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy, một khi không có những chế tài đủ mạnh thì chắc chắn những kế hoạch đã vạch ra sẽ không thể được triển khai nghiêm túc. Bởi thế, việc phân cấp trách nhiệm được kỳ vọng là sẽ khiến các cấp, các ngành, các DN không thể cố tình chậm trễ, hay không thể viện dẫn lý do như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ ra: Không thể cứ “tròn vo” đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh như thế. Thủ tướng và Chính phủ muốn chúng ta làm đúng nhưng phải làm nhanh. Đúng mà chậm, ách tắc, trì trệ là không được, cần phải nhanh hơn nữa. Yêu cầu là khó nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn phải làm, không còn cách nào khác.

HỒNG NHUNG
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019