Hoạt động cho vay ngang hàng: Cần khung khổ pháp lý để tránh rủi ro, biến tướng

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 03/09/2019

(BKTO) - Tuy chưa có công ty nào được cấp phép nhưng hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang phát triển rất sôi động ở Việt Nam. Do đó, việc ban hành khung pháp lý để P2P Lending hoạt động đúng hướng và phát huy lợi ích, đồng thời ngăn chặn rủi ro, biến tướng từ hoạt động này là yêu cầu cấp thiết.


Tiềm năng nhưng không ítrủi ro

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần cảnh báo về hoạt động P2P Lending song tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đưa ra cảnh báo về tình trạng cho vay ngang hàng qua mạng internet - một dạng tín dụng đen biến tướng đang có chiều hướng gia tăng và rất khó kiểm soát; nhiều công ty lập ra website hoạt động theo mô hình này nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. Điều này cho thấy việc quản lý mô hình kinh doanh này đang là bài toán đặt ra cho cơ quan chức năng.

Theo NHNN, P2P Lending là mô hình kinh doanh được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty vận hành nền tảng (công ty P2P Lending).

Thủ tục đơn giản, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng… là những lợi thế giúp hoạt động P2P Lending phát triển nhanh chóng ở nước ta những năm gần đây. Thực tế, có những công ty P2P Lending đã kết nối, xử lý đến hàng nghìn hồ sơ vay vốn, với hoạt động cho vay đa dạng đáp ứng nhu cầu vay vốn cá nhân nhanh chóng, thủ tục đơn giản hơn so với vay ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin chính thức từ NHNN cho biết, tại Việt Nam, một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự giới thiệu là các công ty P2P Lending cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay. Nêu rõ pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về P2P Lending, NHNN cũng nhấn mạnh, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro như rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng…

Có một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm việc đầu tư, cho vay qua các nền tảng của P2P Lending đều được bảo hiểm rủi ro. Một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty tài chính, công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay. Trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại.

Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng mô hình này để thực hiện hành vi bất hợp pháp, đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty cầm đồ có dấu hiệu vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng.

Cần lấp khoảng trống pháp lý

Theo NHNN cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn rủi ro xuất phát từ sự thiếu hụt hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này. Nếu được quản lý tốt, P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ tạo thêm kênh tiếp cận tài chính, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Vì vậy, cần sớm ban hành khung pháp lý phù hợp để thuận lợi cho công tác quản lý. Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan quản lý cấp phép.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều công ty tham gia, vấn đề là quản lý làm sao cho hiệu quả. Thực tế hiện nay, nhiều hoạt động P2P Lending chưa đúng pháp luật, tuy nhiên, nếu tuân thủ đúng thì lợi ích thu về sẽ rất lớn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn, nhiều hơn, với chi phí rẻ hơn.
NHNN cũng cho rằng, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; qua đó có thể góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.

Vì vậy, NHNN đã đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép thí điểm thực hiện để tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý. Hiện Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu vấn đề này. “Chủ trương của cơ quan quản lý là hướng tới hoàn thiện để phù hợp với xu hướng kinh doanh mới, nhưng vẫn phải đảm bảo có sự quản lý chặt chẽ” - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Trong khi chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động P2P Lending, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ hoạt động P2P Lending để hướng dẫn, thông báo trong nội bộ tổ chức tín dụng về các rủi ro tiềm ẩn của hoạt động P2P Lending; thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P Lending, đảm bảo đúng quy định pháp luật cũng như an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng và trật tự an toàn xã hội…

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019