Tăng cường tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực công nghiệp

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:50, 03/09/2019

(BKTO) - Tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực công nghiệp sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế, là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng. Bởi số liệu tính toán cho thấy, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp thường chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Theo đánh giá của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%.



Việc thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế đất nước. Ảnh: Bộ Công Thương

Thách thức đảm bảocung ứng điện

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. Cũng theo kịch bản này thì nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỷ kWh).

Bộ Công Thương tính toán, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016-2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026-2030). Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 phải đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng công suất này là một thách thức lớn đối với ngành năng lượng.

Thành tựu đáng mừng là Việt Nam đã triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2006. Kết quả, Việt Nam đạt được mục tiêu tiết kiệm 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010, tương đương với 4,9 triệu TOE và tiết kiệm được 5,65% trong giai đoạn 2011-2015, tương đương với 11,261 triệu TOE.

Tiếp nối thành công này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030”, trong đó có mục tiêu giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thúc đẩy các giải pháptiết kiệm năng lượng

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, việc thúc đẩy ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng và có tác động to lớn đối với nền kinh tế đất nước.

Đại diện của Tập đoàn Hoà Phát - ông Vũ Trung Dũng cho biết, Hòa Phát hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó có sản xuất gang thép - một ngành sử dụng rất lớn năng lượng điện, than… nhưng với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của Tập đoàn đã có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%. Ngoài các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tốt, đầu tư biến tần chạy cho các động cơ lớn có tải thay đổi nhiều..., Hòa Phát còn sử dụng một số giải pháp mới nhằm tiết kiệm năng lượng như: tận dụng hơi quá nhiệt, tách ẩm gió lạnh trước khi vào lò cao và sử dụng khí nóng lò COKE chạy turbine máy phát. Hiện Hòa Phát đang vận hành 4 tổ máy phát điện nhiệt dư với tổng công suất 60 MW, cấp điện áp 6,3 KV hòa cùng nguồn điện cung cấp cho Dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.

Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2016-2018, TP. Hà Nội đã tiết kiệm được 739.700 TOE, trong đó, điện năng tiết kiệm 1.119,72 triệu kWh, tương đương 2.046 tỷ đồng. Hằng năm, Hà Nội thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp tiết kiệm được 2 - 2,2% năng lượng so với dự báo nhu cầu. Để đạt kết quả này, Hà Nội phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh, bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp và xanh hóa nguồn sản xuất, phân phối điện năng. Hà Nội cũng hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng cho 88 cơ sở, tư vấn 502 giải pháp, giúp tiết kiệm 2.941,88 TOE, tương đương 27,5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 20 cơ sở; xây dựng bộ chỉ số hiệu quả năng lượng cho 3 nhóm ngành logistics, sản xuất giấy và sản xuất bia - rượu - nước giải khát…

Ông Võ Quang Lâm - đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - chia sẻ, EVN đã ban hành quy trình kiểm toán năng lượng cho các loại hình nhà máy điện để thống nhất thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện; từng bước áp dụng biện pháp sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị theo trọng tâm độ tin cậy; thúc đẩy đầu tư điện mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.

Chuyên gia cao cấp về năng lượng của WB Chu Bá Thi cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với WB tiến hành đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp về chính sách cũng như các phương án để thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ năng lượng ESCO (mô hình của một công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện) tại Việt Nam. Sự tham gia của các ESCO vào thị trường tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cung cấp các nguồn kỹ thuật, sắp xếp tài chính, chia sẻ rủi ro và tạo dựng niềm tin cho các DN công nghiệp và ngân hàng đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019