Chuyển đổi cơ cấu lao động và rào cản từ chất lượng nguồn nhân lực
Đầu tư - Ngày đăng : 09:10, 03/09/2019
(BKTO) - Những năm qua, xu hướng việc làm trong nước đang chứng kiến sự chuyển đổi cơ cấu của thị trường lao động từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động vẫn là rào cản của quá trình chuyển đổi, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào tiến trình hợp tác song phương, đa phương với nhiều cam kết tác động trực tiếp đến lĩnh vực lao động.
Công việc đơn giản vẫn thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chuyển dịch cơ cấu lao độngcòn chậm
Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động (NLĐ), trong đó chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động; tăng cường công tác dự báo thị trường nhân lực, việc làm; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ.
Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến quý I/2019 là 55,4 triệu người, trong đó ước tính 54,3 triệu người có việc làm. Tuy nhiên, các công việc giản đơn vẫn thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động tại Việt Nam, chiếm 35% lao động có việc làm trên toàn quốc.
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động trong các ngành nghề kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực với việc tăng ở khu vực dịch vụ, giảm ở khu vực nông nghiệp. Phân tích cụ thể về vấn đề này, TS. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cho biết, cơ cấu lao động, việc làm có sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ là xu thế tất yếu của nền kinh tế và Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi này. Tại thời điểm quý I/2019, tỷ lệ lao động làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trên tổng số lao động làm việc chiếm 35,4%, so với quý I/2014 là 47,1% (đã giảm được gần 12%). Trong 5 năm qua, mặc dù tỷ lệ này đã giảm nhưng tốc độ giảm bình quân chỉ đạt khoảng 2% mỗi năm, so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2015-2020 là chưa đạt. Điều này đồng nghĩa với mục tiêu đến năm 2020, lực lượng lao động nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30% tổng số lực lượng lao động cũng khó đạt được. Tín hiệu tích cực đáng kể nhất, đó là tốc độ giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp những năm sau ngày càng nhanh hơn năm trước, ở mức 3%/năm, so với các năm đầu giai đoạn chỉ giảm 1 - 2%.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp còn chậm được các chuyên gia trong lĩnh vực lao động lý giải là do đầu tư cho nông nghiệp vẫn thấp trong cơ cấu đầu tư của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với sự hiện diện của công nghệ, máy móc trong nông nghiệp còn thấp, dẫn đến đòi hỏi sức lao động từ con người nhiều hơn. Sự chậm trễ trong chuyển dịch cơ cấu lao động cũng gây ra thách thức đối với thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập cũng như đối với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay.
Chú trọng nâng cao chất lượng lao động
Từ thực trạng chuyển đổi cơ cấu lao động hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cùng với tình trạng thất nghiệp gia tăng ở bộ phận lao động được đào tạo bài bản cũng gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch.
Theo TS. Đào Quang Vinh, mỗi năm Việt Nam có trên 200.000 cử nhân thất nghiệp, mặc dù con số này có giảm trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn quá lớn và tạo ra sự lãng phí đối với đất nước và toàn xã hội. Bởi lao động có trình độ có tác động lớn đến kết quả chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm. Tuy nhiên, trong khi nguồn nhân lực được đào tạo còn thiếu thì một bộ phận lao động có trình độ đào tạo cao lại chấp nhận thất nghiệp và không tham gia vào quá trình chuyển dịch.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về các xu hướng việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế được tổ chức mới đây, đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, bên cạnh việc tôn trọng quy luật thị trường, Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế, gắn với ổn định xã hội. Giải quyết việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng ngược lại, bản thân NLĐ cần tích cực tham gia đào tạo, tự đào tạo để nâng cao năng lực, thích ứng tốt với yêu cầu của thị trường.
Trong khi đó, dẫn chứng số lượng lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên hiện chỉ đạt là 12,1 triệu người, chiếm 22,2% số lao động có việc làm, TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, công tác đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa để có nguồn nhân lực chất lượng phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm, từ đó góp phần chung vào việc nâng cao năng suất lao động.
PGS,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cảnh báo, NLĐ đang chịu tác động kép của quá trình toàn cầu hoá, tự do hoá và Cách mạng công nghiệp 4.0. Tác động kép này khiến những công việc cần lao động tay nghề thấp, giản đơn có nguy cơ bị thay thế, mất việc cao. Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao cũng như lao động thiếu hụt kỹ năng làm việc. Từ thực trạng này, PGS,TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, vai trò của các bên cần được xác lập và thực thi hiệu quả. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dự báo thị trường, tạo lập chính sách và tổ chức đào tạo; NLĐ cần tự xác định việc nâng cao trình độ là yêu cầu sống còn để đứng vững trong thị trường lao động nhiều biến động như hiện nay.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019