Truyền thông về hạ tầng giao thông: Cần có cách nhìn khách quan

Đầu tư - Ngày đăng : 22:10, 04/09/2019

(BKTO)- Ngày 4/9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Trần Chủng đồng chủ trì Hội thảo.


Với nhiều ý kiến, sáng kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Hội thảo đem lại nhiều ý nghĩa quan trọng không chỉ với hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hoạt động hợp tác PPP mà còn rất thiết thực với các cơ quan báo chí trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí về lĩnh vực này.
                
   

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: CTV

   

Hạn chế trong tuyên truyền về hạ tầng giao thông

Hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác cũng như hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh… Những năm gần đây, ngoài nguồn lực của Nhà nước, nhiều nguồn lực xã hội được huy động, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này và mang lại những thành quả to lớn cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, còn những rào cản trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương cần tháo gỡ.
                
   

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ quang Lợi phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam

   

Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi, trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hạ tầng giao thông, báo chí có vai trò quan trọng, vừa tuyên truyền, phổ biến, phản ánh thực tiễn sinh động; vừa giám sát và phản biện chủ trương, chính sách, vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thời gian qua, báo chí đã có nhiều phản ánh kịp thời, chính xác, với nhiều góc nhìn về câu chuyện hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội đang chiếm lĩnh, tin giả tràn lan, khiến dư luận nhiều phen dậy sóng. Ngoài ra, vẫn còn có những vấn đề được nêu trên báo chí theo vụ việc, tuyến bài nhỏ lẻ, theo cách đưa thông tin một chiều, nội dung truyền thông thiên về lên án, chỉ trích nhiều hơn khen… khiến cho nhiều vụ việc bị đẩy đi quá xa. Điều này không tránh khỏi áp lực cho người trong cuộc, từ các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các DN, các nhà báo, thậm chí cả người dân.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Nguyễn Chí Thành cho hay, trong thời gian qua, các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông đã được bàn luận rất nhiều tại nhiều diễn đàn, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông tạo nên tâm điểm dư luận xã hội. Trong đó, nhiều ý kiến, tham luận, tác phẩm báo chí đã “mổ, xẻ” một phần góp phần cảnh báo, chấn chỉnh, ngăn chặn những khuyến khuyết, yếu kém trong việc đầu tư theo hình thức BOT. Tuy vậy, cũng không ít phát biểu, tham luận, bài báo thiếu trách nhiệm tạo nên luồng dư luận ngược chiều với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và từ đó vô hình gây lên phản ứng, phản kháng, làm vơi đi niềm tin của dân chúng đối với việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, có một số nhà báo, cộng tác viên báo chí mang định kiến rằng, cứ BOT là ‘móc túi’ người dân, lợi ích nhóm. Trong khi thông tin về diễn biến các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí, các cuộc thanh kiểm tra đối với các dự án BOT được đăng tải dày đặc, cập nhật liên tục thì tiếng nói của nhà đầu tư lại được đưa hạn chế. Hơn nữa, báo chí và truyền thông mạng xã hội thường xuyên chỉ trích nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về những tồn tại, bất cập của các dự án BOT; thiếu những bài viết đề cập đến những kết quả tích cực, những kinh nghiệm hay, bài học đắt giá trong việc triển khai BOT.

Báo chí cần thông tin hai chiều

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, các Bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng cần thông tin rộng rãi chủ, chính sách, pháp luật, định hướng phát triển hạ tầng giao thông để nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Mặt khác, đội ngũ người làm báo cần nhận thức rõ, việc huy động vốn theo hình thức PPP là chủ trương đúng đắn, góp phần giải quyết vấn đề hiệu quả thấp của đầu tư công, vấn đề về vốn trong đầu tư toàn xã hội. PPP đã mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho NSNN.
                
   

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam

   
Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN) Trần Tiến Duẩn cho rằng, để làm tốt công tác tuyên truyền về đầu tư hạ tầng giao thông, báo chí cần thông tin rộng rãi chủ trương, chính sách pháp luật, định hướng đường lối phát triển hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng đến chính sách đầu tư, cơ chế công khai, minh bạch và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án tại Việt Nam.
Đầu tư PPP giao thông thực sự cần thiết khi khi huy động được nguồn tiền nước ngoài “rót” vào Việt Nam trong bối cảnh NSNN còn hạn hẹp. Chính vì thế,báo chí nên định hướng tuyên truyền được những vấn đề như: ưu điểm của dự án giao thông khi đầu tư bằng hình thức PPP, kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài về các dự án PPP, tháo gỡ vướng mắc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch… để người dân và nhà đầu tư thấy rằng, Nhà nước luôn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và đồng hành cùng DN phát triển.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng cho rằng, “về mặt truyền thông cần có các bài viết khách quan, chính xác, cân bằng và mang tính xây dựng để tránh bị hiểu nhầm, gây ra sự phản đối BOT giao thông, bởi suy cho cùng đó cũng là giai đoạn sơ khai của đầu tư PPP khi các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, hệ thống cơ sở pháp luật của Nhà nước chưa thật đầy đủ, hoàn thiện nên có thể nảy sinh một số tồn tại, bất cập”.

Bên cạnh đó, Nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng đề nghị các nhà đầu tư cần cung cấp các thông tin chính xác liên quan đến công tác đầu tư, tiến độ xây dựng, những vấn đề phát sinh để thông tin đăng tải trên báo chí được khách quan, toàn diện. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng nên có phản hồi, trao đổi về những vấn đề mà báo chí đã đăng tải, để tạo nên luồng thông tin chính xác, đúng với bản chất sự việc.

LÊ HOÀ