Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch
Đối nội - Ngày đăng : 09:20, 05/09/2019
Toàn cảnh buổi họp Ảnh: VGP/ Quang Hiếu |
Thông tin tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 04/9 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019. Phiên họp lần này tập trung thảo luận một số nội dung: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và một số nội dung khác.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm, các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Có thể khẳng định: chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu tăng trưởng năm nay mà Quốc hội giao.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển khá cả nuôi trồng và khai thác (đàn gia cầm tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,4%).
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Giải ngân vốn FDI tăng khá, đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng. Có 90.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và tăng 31% về vốn đăng ký. Có 25.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8%.
Thu NSNN đạt khá; các khoản thu nội địa đạt khá, cao hơn mức bình quân chung (thu NSTW đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.
Cầu nội địa tiếp tục tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2019 vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, tăng 11,5%(nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03%). Khách quốc tế tiếp tục đà tăng cao đạt 11,3 triệu lượt khách quốc tế.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%;…
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm; quốc phòng an ninh được bảo đảm; tình hình diễn biến phức tạp nhưng chúng ta kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp với các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm. Hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%). Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Chúng ta cần phải kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, chỉ bàn tiến không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; làm việc gì cũng phải nghĩ đến đất nước, đến nhân dân trước; phát huy lòng tự hào dân tộc, tính sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Cần nghiêm túc thực hiện phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chất lượng, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết số 01, 02. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch. Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, còn những mặt hạn chế, yếu kém và còn nhiều khó khăn, thách thức phải tập trung xử lý, giải quyết. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng; để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2019, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua, như: ảnh hưởng môi trường sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, vụ việc của Đại học Đông Đô, nhận hối lộ tại Mobifone, vụ cháu bé trường Gateway…
Liên quan đếnDự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi đó, Dự án này có tổng mức đầu tư khá lớn, khoảng 750 triệu USD. Nhà nước hỗ trợ khoảng 250 triệu USD từ phần vốn bảo lãnh của Ngân hàng Thế giới. Nhà đầu tư gồm Bitexco và nhà đầu tư thứ 2 sẽ bỏ ra 500 triệu USD, trong đó riêng Bitexco phải bố trí 60%, khoảng 350 triệu USD để thực hiện dự án. Tuy nhiên, quá trình đàm phán thực hiện dự án đã không thành công và đến tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt việc thí điểm dự án theo cơ chế này.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội để thông qua dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Quốc hội sẽ cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Dự luật này trên cơ sở kế thừa các quy định hiện nay chúng ta đang có để thực hiện các dự án PPP, trước đây là Nghị định 108, sau đó là Nghị định 15, Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Các nghị định này là khuôn khổ pháp lý để thực hiện 336 dự án PPP trong suốt thời gian qua, trong đó có 140 dự án BOT.
Mặc dù còn những vấn đề tồn tại nhưng các dự án PPP thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy, hiện khung pháp lý mới chỉ dừng ở các nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động PPP. Thêm nữa, các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút các nhà đầu tư vì bản chất dự án PPP là dự án có tính chất đầu tư công nhưng do chúng ta chưa có nguồn lực nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án, Chính phủ đều tham gia để đảm bảo khả năng thực hiện hiệu quả. Ví dụ dự án Dầu Giây- Phan Thiết sau khi dừng thí điểm đã được đưa vào một trong 8 dự án thành phần theo hình thức BOT thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam theo Nghị quyết 52 của Quốc hội với tổng mức đầu tư là 14.300 tỷ đồng, Nhà nước tham gia khoảng 2.500 tỷ đồng để đảm bảo phương án tài chính cho dự án.
Xuân Hồng