Làm rõ quyền và trách nhiệm phối hợp trong lập, xây dựng các báo cáo về NSNN
Đối nội - Ngày đăng : 09:00, 15/09/2016
(BKTO) - Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) và phê chuẩn quyết toán NSNN (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11). Dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm mới quan trọng, đặc biệt đã bổ sung quyền và trách nhiệm tham gia, phối hợp của KTNN trong quá trình lập, thẩm tra, trình Quốc hội báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải góp ý vào dự thảo Nghị quyết Ảnh: TTXVN
Bổ sung nhiệm vụ của KTNN
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Sau gần 14 năm thực hiện Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH quy định về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm, đến nay, Quy chế này đã không còn phù hợp với thực tiễn và cần thiết phải sửa đổi nhằm thống nhất với các quy định pháp luật mới như Luật NSNN năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật Quản lý nợ công…
Theo đó, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung thêm một số nội dung, trong đó có việc lập kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Dự thảo Nghị quyết cũng làm rõ hơn cơ chế phối hợp, tham gia giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình lập dự toán NSNN, xây dựng phương án phân bổ NSTƯ, tổ chức điều hành dự toán NSNN, lập báo cáo quyết toán NSNN; đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Đáng chú ý, bản dự thảo đã bổ sung KTNN vào đối tượng áp dụng; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Cụ thể, về trách nhiệm thẩm tra của KTNN, dự thảo Nghị quyết quy định: “KTNN tham gia với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội; thực hiện kiểm toán và lập Báo cáo kiểm toán, Báo cáo quyết toán NSNN để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn”.
Về tổ chức thẩm tra, theo dự thảo Nghị quyết, KTNN có nhiệm vụ tổ chức lập và gửi Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN đến UBTVQH, Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội theo quy định tại Điều 48 Luật KTNN; tham gia ý kiến bằng văn bản với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra các Báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội.
Đảm bảo quyền chủ độngcủa các cơ quan của Quốc hội và KTNN
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng như các ý kiến của UBTVQH đều cơ bản đồng tình với những đề xuất của Chính phủ.
Liên quan đến sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập, xây dựng các báo cáo do Chính phủ trình UBTVQH và Quốc hội, theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Nghị quyết cần thể hiện rõ hơn về quyền và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, KTNN trong việc tham dự các cuộc họp có liên quan về tài chính - NSNN của Bộ Tài chính, Chính phủ, trong đó nhấn mạnh việc tham gia là quyền và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và KTNN. Cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định: Bộ Tài chính thông báo lịch thảo luận với các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương về dự toán NSNN hàng năm với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, KTNN và các cơ quan khác của Quốc hội để các cơ quan chủ động tham dự các cuộc họp nêu trên.
Về vai trò của KTNN trong việc phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các cơ quan khác của Quốc hội để thẩm tra các Báo cáo về tài chính ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nhiều quy định đối với KTNN, tuy nhiên nếu quy định cơ quan KTNN, ngoài việc tham gia với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, còn phải tham gia với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội trong thẩm tra các báo cáo dự toán, phân bổ, quyết toán NSNN thì khó khả thi, không thực hiện được. Do đó, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị chỉ nên quy định KTNN tham gia với Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong việc thẩm tra các loại báo cáo trên.
Về báo cáo do KTNN trình, để bảo đảm chất lượng báo cáo và thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến của KTNN, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xem xét thời gian gửi tài liệu về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ cho KTNN chậm nhất là ngày 10/9 hàng năm.
Các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần làm rõ, có sự thống nhất với các quy định trong Luật NSNN 2015, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội… và một số văn bản pháp luật có liên quan khác. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, Nghị quyết cần bao quát hết các tổ chức, cá nhân tham gia lập, quyết định dự toán NSNN; xác định được căn cứ, nội dung, thẩm quyền trong việc thẩm tra, quyết định, phân bổ, phê chuẩn quyết toán NSNN; đảm bảo tính cụ thể, khả thi trong các quy định của Nghị quyết; bổ sung nguyên tắc lập, thẩm tra, quyết định ngân sách địa phương; bổ sung quy trình lập, thẩm tra, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, trong đó làm rõ thêm trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Trên cơ sở kết quả thảo luận, UBTVQH yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình UBTVQH tiếp tục cho ý kiến.
NGUYỄN HỒNG