Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều giải pháp sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ

Đối nội - Ngày đăng : 19:05, 07/09/2019

(BKTO) - Đó là đánh giá của nhiều đại biểu tại Phiên họp của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội sáng 6/9, cho ý kiến đối với Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2019 của KTNN và Dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của KTNN.


Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng. Tham dự Phiên họp còn có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tổng Cục thuế, Kho bạc Nhà nước…

Về phía KTNN, tham dự Phiên họp có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cùng đại diện lãnh đạo và một số công chức Vụ Tổng hợp.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp

   
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mới đột phá

Trình bày tóm tắt Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2019 của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa nêu rõ: Trong năm 2019, với sự quyết tâm cao của Ban cán sự Đảng, đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong hoạt động của Ngành.

Theo đó, Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2019 của KTNN được thực hiện chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai. Bên cạnh việc giảm đầu mối so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, nhiều giải pháp mới có tính đột phá đã được KTNN tổ chức triển khai đồng bộ như: thí điểm hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; đẩy mạnh kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; tiếp tục xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2019 chi tiết, khoa học, phù hợp với điều kiện và năng lực của từng đơn vị, trong đó chú trọng việc điều động kiểm toán viên giữa các đơn vị nhằm đảm bảo chất lượng các cuộc kiểm toán quan trọng; ban hành các đề cương hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực mới để thống nhất tổ chức thực hiện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường các cuộc kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra trực tiếp, đột xuất để chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót ngay trong quá trình kiểm toán.

Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công điện số 759/CĐ-KTNN ngày 18/6/2019 về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.

Về kết quả thực hiện KHKT năm 2019, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính đến ngày 20/8/2019 là 38.566 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, thay thế 36 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí. Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh nhiều tồn tại, bất cập.

Việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán được KTNN thực hiện theo quy định. Đặc biệt, KTNN đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, KTNN đã cung cấp 41 bộ hồ sơ cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, đến thời điểm 20/8/2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 47.333 tỷ đồng, đạt 51,3%.

Các mặt công tác khác như công tác xây dựng và phổ biến pháp luật; tổ chức cán bộ và đào tạo; hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin… cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2020, giảm số cuộc kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán

Về dự kiến KHKT năm 2020, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, trên cơ sở xác định mục tiêu tổng quát của Ngành năm 2020, KTNN định hướng xây dựng KHKT năm 2020 theo hướng giảm 30% số cuộc kiểm toán so với KHKT năm 2019 để tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán; bố trí đủ thời gian hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ khác trong năm 2020.

Trong KHKT năm 2020, KTNN sẽ lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện trong toàn ngành, nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, KTNN sẽ chủ động bố trí nhân lực và thời gian để thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao theo quy định của Luật KTNN, đặc biệt là việc thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn, định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa.

Với định hướng trên, đối với lĩnh vực NSNN, KTNN sẽ tập trung kiểm toán đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2019 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Quốc hội.

Đối với lĩnh vực DN và các tổ chức tài chính- ngân hàng, trong năm 2020, KTNN lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dung vốn, tài sản nhà nước năm 2019, kết hợp với việc đánh giá công tác cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, đánh giá các hoạt động quản lý, đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như: giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác; việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí…

Về kiểm toán chuyên đề, năm 2020, KTNN dự kiến lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với chuyên đề được lựa chọn. Ngoài ra, KTNN thực hiện kiểm toán đối với “Việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự phòng 10% tại các Bộ, ngành địa phương do Quốc hội giao” theo Nghị quyết 84/2019/QH14 ngày 29/6/2019 của Quốc hội.

Cùng với đó, KTNN lựa chọn một số chuyên đề có phạm vi phù hợp tại một số Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán nhằm đánh giá hiệu lực trong thực hiện các chương trình, dự án; tính kinh tế, hiệu quả trong quản lý, sử dụng kinh phí; đồng thời góp phần nâng cao năng lực của các KTNN chuyên ngành, khu vực và làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng thành các cuộc kiểm toán chuyên đề có phạm vi rộng trong các năm sau. KTNN cũng tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin; lựa chọn thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm.

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đều cơ bản đồng tình với nội dung Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2019 của KTNN cũng như Báo cáo dự kiến KHKT năm 2020. Đặc biệt, cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đánh giá cao những nỗ lực đổi mới, việc áp dụng nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của KTNN.

Theo cơ quan thẩm tra, việc mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ cũng như sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành là những yếu tố cơ bản góp phần tạo nên những kết quả đáng khích lệ trong triển khai thực hiện KHKT năm 2019.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đánh giá cao và đề nghị làm rõ thêm những đóng góp của KTNN trong việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.

Đồng tình với một trong những tồn tại được KTNN chỉ ra là việc tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thời gian qua còn thấp, các đại biểu đề nghị, cùng với tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, kết luận kiểm toán, KTNN cần có báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện kết luận kiến nghị để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có ý kiến chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

Đồng thời, các đại biểu đề nghị KTNN cần chủ động, tích cực tham gia trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đặc biệt là các luật liên quan đến Luật đầu tư, Luật DN, Luật đối tác công- tư (PPP).

Liên quan đến dự kiến KHKT năm 2020, các ý kiến đề nghị KTNN tập trung quyết liệt nhằm hoàn thành KHKT năm 2019 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đối với dự kiến KHKT năm 2020, KTNN cần cân nhắc, khảo sát để đưa ra giới hạn về thời gian, phạm vi kiểm toán đối với từng nội dung, đảm bảo tính minh bạch, cụ thể của KHKT. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác để tránh sự trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã tiếp thu các ý kiến góp ý, đồng thời làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau phiên họp này, KTNN sẽ có văn bản gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị được kiểm toán trên cơ sở đó tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi chính thức ban hành KHKT năm 2020.

Liên quan đến công tác phối hợp để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, trong 3 năm gần đây, KTNN đã thực hiện niêm yết công khai các dự án đầu tư và các chương trình kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lặp. Tới đây, KTNN sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các Bộ, ngành, đồng thời yêu cầu KTNN các khu vực làm việc với thanh tra tỉnh, cục thuế tỉnh, trên cơ sở đó tổng hợp, công khai đầu mối kiểm toán.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đặng Dũng đề nghị KTNN tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung các ý kiến góp ý của các đại biểu tại Phiên họp nhằm hoàn thiện các báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37.

Tin và ảnh: N. HỒNG