Thách thức thực thi cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA
Đầu tư - Ngày đăng : 09:00, 09/09/2019
(BKTO) - Là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu ÂU (EU), Việt Nam đã phải nỗ lực suốt một chặng đường dài, vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo thực thi đúng các cam kết và tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định mang lại, trong đó có cam kết về sở hữu trí tuệ.
Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn FDI chất lượng cao khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA - Ảnh: TTXVN
Bảo vệ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong xu thế hội nhập, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu. Điều này giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các DN có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. “Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cũng nhận định.
Về đầu tư, môi trường kinh doanh nói chung sẽ ngày càng tốt lên trong đó có sự tin tưởng ngày càng cao của các đối tác nước ngoài về việc bảo hộ các tài sản trí tuệ tại Việt Nam. Đáp ứng các điều kiện của EVFTA, Việt Nam sẽ thu hút được các nguồn vốn FDI chất lượng cao, với trình độ công nghệ tiên tiến. Đây là cơ hội để DN Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ châu Âu giúp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mỗi DN.
Về thương mại, EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, tuy nhiên, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các DN cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều này đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ có như vậy, các DN mới có thể đứng vững khi ra biển lớn, tham gia sân chơi chung toàn cầu.
Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, xu hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến DN Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Hoàn thiện các văn bản pháp luật
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, với mức độ cam kết khá cao trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Việt Nam sẽ phải sửa đổi tương đối nhiều các văn bản pháp luật cho phù hợp. Hơn nữa, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn thấp nên việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và DN về các cam kết trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh dẫn chứng, EVFTA đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU; gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực… Do đó, cùng với việc tích cực chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết này.
Vào tháng 6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thực thi một số cam kết bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây cũng là một bước chuẩn bị đầu tiên để thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Hiện nay, Bộ KH&CN đang đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm thi hành các cam kết trong CPTPP, cũng như EVFTA mà pháp luật hiện hành chưa tương thích. Theo kế hoạch, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10/2019. Bên cạnh đó, các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cũng đang được gấp rút hoàn tất.
Một động thái đáng chú ý nữa là cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, trong đó bao gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2030. Hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ được phát triển đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng đóng góp của tài sản trí tuệ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng như của xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
PHÚC KHANG
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)