Phát triển liên kết vùng kinh tế trọng điểm còn vướng mắc

Đầu tư - Ngày đăng : 09:30, 09/09/2019

(BKTO) - Đánh giá về kết quả đạt được trong phát triển liên kết các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) trên cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu rõ, cùng với việc một số cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, liên kết vùng đã được ban hành, tình hình triển khai thực tế từ T.Ư đến các địa phương trong vùng KTTĐ đã có sự phối hợp chặt chẽ, dần nâng cao tính chủ động, sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để phát huy hơn nữa hiệu quả của liên kết vùng.



Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam-Ảnh: chinhphu.vn

Liên kết vùng bước đầu phát huy hiệu quả

Hiện nay, cơ sở pháp lý của các hoạt động phát triển liên kết vùng mới dừng lại ở các văn bản cấp Luật, Nghị quyết, chưa có Nghị định quy định cụ thể về các hoạt động liên kết vùng mà mới chỉ có các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về: thành lập Tổ chức Điều phối phát triển các vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020; thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020; Ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức Điều phối phát triển các vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020.

Để thúc đẩy sự phát triển của liên kết vùng dựa trên cơ sở pháp lý hiện hành, đối với cấp T.Ư, trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp tổ chức 4 hội nghị đánh giá các hoạt động liên kết vùng tại vùng KTTĐ phía Nam; vùng KTTĐ Bắc Bộ; phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; vùng KTTĐ miền Trung. Sau hội nghị, Bộ KH&ĐT đã dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với từng vùng về phát triển liên kết vùng, trong đó giao các nhiệm vụ cụ thể và tiến độ thực hiện đối với từng Bộ, ngành, địa phương để phối hợp thực hiện…

Đối với cấp địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, các chủ tịch hội đồng vùng KTTĐ đã tích cực phối hợp với các thành viên và các địa phương tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để đánh giá thực trạng, cùng thống nhất ban hành Kế hoạch điều phối phát triển của vùng trong từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, các địa phương trong vùng KTTĐ đã ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên liên kết. Đồng thời, các hội đồng vùng đã thành lập các nhóm tư vấn hợp tác riêng biệt hỗ trợ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, định hướng, giải pháp và các kiến nghị, đề xuất liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng hoặc thành lập các tổ điều phối chuyên đề về các lĩnh vực cụ thể, cần ưu tiên liên kết trong vùng.

Để tạo thêm động lực cho các địa phương, một số cơ chế, chính sách riêng, đặc thù đã được ban hành cho các địa phương đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong các vùng KTTĐ như: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho người dân, DN; ưu đãi đầu tư. T.Ư và các địa phương cũng đã ưu tiên đầu tư cho các dự án liên quan đến liên kết vùng, điển hình như Dự án: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Bạch Đằng; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; các tuyến đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; triển khai các bước của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cầu Đồng Nai và nhiều dự án khác tại các vùng KTTĐ.

Còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong phát triển liên kết vùng KTTĐ, Bộ KH&ĐT nêu rõ, hiện nay vẫn chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh để hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả. Việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm còn hạn chế, bởi T.Ư chưa có cơ chế về nguồn lực cho vùng mà chỉ phân bổ từng địa phương; do đó, các dự án liên kết khó huy động nguồn lực do liên quan đến các địa phương khác nhau. Mặc dù quy hoạch phát triển các vùng KTTĐ đã được phê duyệt nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa theo kịp xu thế phát triển nên thường phải điều chỉnh cục bộ. Hơn nữa, mối liên kết trong các ngành cụ thể còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa gắn với nhu cầu và đòi hỏi thực tiễn.

Điều đáng quan ngại nữa là thu hút đầu tư vào các vùng KTTĐ còn rời rạc, chưa có nhiều dự án quy mô lớn để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên vùng. Các địa phương khuyến khích thu hút đầu tư nhưng đôi khi còn xảy ra tình trạng “mạnh ai người đó làm”, mới nhìn đầu tư ngắn hạn mà chưa tính lâu dài, tổng thể, dẫn đến chồng chéo trong thu hút đầu tư. Nhiều địa phương chưa đầu tư vào các dự án cần cho sự phát triển của cả vùng, như: xử lý rác thải, khai thác và bảo vệ nguồn nước.

Để các hoạt động liên kết vùng đi vào thực chất, thúc đẩy phát triển bền vững các vùng KTTĐ, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần phải rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cùng với đó, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho các hội đồng vùng KTTĐ; hoàn thiện thể chế để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên hội đồng vùng; phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa ban chỉ đạo, các hội đồng vùng, các Bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Đồng thời, cần tăng cường mối liên kết giữa các ngành, lĩnh vực cụ thể trong vùng thông qua việc xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đồng bộ, gắn với liên kết vùng; tập trung nguồn lực để đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng lao động; tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước để phát triển bền vững; sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung.

QUỲNH ANH
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)