Phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam trong xu hướng toàn cầu

Đối nội - Ngày đăng : 07:05, 23/06/2016

(BKTO)- Ngày 20/6, Bộ Tài chính và Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA)đã tổ chức hội thảo “Xu hướng toàn cầu của ngành kế toán, kiểm toán và tàichính & Chiến lược của Việt Nam đến 2020” nhằm đánh giá tình hình thực hiệnChiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, đồng thời đưa ra những phântích toàn diện và đề xuất giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược đáp ứng yêucầu của thị trường và hội nhập.



Hội thảo xu hướng toàn cầu của ngành kế toán, kiểm toán và tài chính và chiến lược của Việt Nam đến năm 2020. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Tích cực hội nhập kế toán, kiểm toán

Hội nhập mạnh mẽ đang mở ra xu hướng toàn cầu hóa đối với ngành kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam. Ông Phạm Tuấn Anh (Bộ Tài chính) đánh giá, kế toán, kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập. Hội nhập càng sâu rộng, kế toán, kiểm toán càng có vai trò mới, trở thành “ngôn ngữ” kinh doanh mới, “ngôn ngữ” quản lý kinh tế mới và là dịch vụ quan trọng của nền kinh tế. Vai trò này không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn nằm trong xu thế toàn cầu. Do đó, ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam tất yếu phải hội nhập.

Muốn hội nhập thành công, Việt Nam phải ban hành và thực hiện những quy định, chuẩn mực kế toán, kiểm toán theo chuẩn quốc tế phù hợp với bối cảnh trong nước. Song song với đó là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhận thức rõ những vấn đề này, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Chiến lược, PGS.TS. Đặng Thái Hùng - Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam đã không ngừng cải cách hệ thống pháp luật kế toán, kiểm toán, cụ thể đã ban hành Luật Kiểm toán độc lập (2011), Luật kế toán (2015) với tư tưởng nội dung chứa đựng những vấn đề của kế toán, kiểm toán trong điều kiện hội nhập.

Đây cũng là cơ sở để Bộ Tài chính xây dựng, công bố 47 chuẩn mực kiểm toán mới phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, trong đó chứa đựng cả những đổi mới, sáng tạo với việc đổi mới phương thức kiểm toán từ “chọn mẫu” sang “đánh giá rủi ro”. Đồng thời, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống các DN kế toán, kiểm toán. Từ chỗ chỉ có 2 DN dịch vụ kế toán, kiểm toán năm 1991, đến nay, cả nước đã có 240 DN dịch vụ kế toán, kiểm toán, trong đó có hơn 140 DN dịch vụ kiểm toán và gần 100 DN dịch vụ kế toán với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 700 tỷ đồng/năm.

Nhìn lại cả giai đoạn, ông Hùng cho rằng Việt Nam đã triển khai Chiến lược khá tích cực, tuy nhiên các chính sách kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn chưa theo kịp thực tế do nền kinh tế thị trường Việt Nam có những điểm xuất phát chậm so với thế giới, vì thế thị trường dịch vụ cũng chậm phát triển hơn, trong đó có thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Tại hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế đều khẳng định, thách thức lớn đối với ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam hiện nay chính là việc hài hòa hóa các quy định, chuẩn mực kế toán, kiểm toán và chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ động ứng phó với thách thức

Bà Faye Chua - Trưởng bộ phận Nghiên cứu của ACCA đã đề cập đến kết quả khảo sát, đánh giá của báo cáo “Tương lai của các chuyên gia tài chính” đã được ACCA thực hiện trong 2 năm tại 19 quốc gia với gần 2.000 hội viên là các chuyên gia tài chính, giám đốc điều hành, giám đốc tài chính hàng đầu của các tổ chức, tập đoàn trên thế giới. Các hội viên tham gia khảo sát cho biết, từ những động lực phải thay đổi, các tiêu chuẩn tài chính, kế toán tại tổ chức, DN đã hài hòa hơn (đạt 84%); điều chỉnh mạnh mẽ, phức tạp hơn (đạt 84%), áp dụng điện toán đám mây (đạt 86%); tăng sự tham gia của nữ giới (đạt 89%), mở rộng kỳ vọng và các giá trị kinh doanh (đạt 80%).

Từ kết quả này, ACCA đã chỉ ra một số yếu tố sẽ làm thay đổi ngành nghề tài chính, kế toán mà đối tượng chịu tác động chính là các nhân sự làm việc trong ngành trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Thứ nhất là các quy định và sự quản lý của Nhà nước sẽ được tăng cường, nghiêm ngặt hơn trong giai đoạn từ nay đến 2025, hệ quả là tất cả các chuyên gia tài chính, kế toán sẽ chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với các mức độ khác nhau. Thứ hai là các công nghệ số sẽ ngày càng phổ biến và tác động lên DN làm thay đổi cách thức thực hành nghiệp vụ tài chính, kế toán cũng như đặt ra những đòi hỏi nhất định về năng lực đối với đội ngũ các chuyên gia tài chính.

Vì thế, cũng trong báo cáo này, các chuyên gia của ACCA đã đưa ra 7 chỉ số thành công cần thiết cho mỗi nhân lực tài chính, kế toán, bao gồm: các năng lực chuyên môn và đạo đức (TEQ), kinh nghiệm (XQ), trí thông minh (IQ), tính sáng tạo (CQ), kỹ thuật số (DQ), trí tuệ cảm xúc (EQ), tầm nhìn (VQ). “Nghiên cứu này có thể góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ trên toàn cầu, mà cụ thể ngay tại Việt Nam. Với việc các quốc gia Đông Nam Á sẽ hòa nhập thành một thị trường chung từ cuối năm 2015, Việt Nam cần phải chủ động nhiều hơn nữa để nắm bắt các cơ hội” - bà Faye Chua nhấn mạnh.

Tiếp nhận những thông tin này, ông Đặng Thái Hùng cho biết, để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ xây dựng Đề án nâng cao chất lượng nhân viên, chất lượng dịch vụ thông qua việc đẩy mạnh tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức trên cơ sở tiếp thu thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam; xây dựng Đề án đổi mới mô hình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề, mở rộng và tăng cường số lượng các kỳ thi cấp Chứng chỉ kiểm toán viên, Chứng chỉ kế toán viên.

Để tiến tới việc ban hành và thực hiện theo các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, trước hết là theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Việt Nam đang học hỏi và nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế trong thời gian từ nay đến năm 2018, sau đó sẽ xây dựng và ban hành 26 chuẩn mực tuân thủ AFAS phù hợp. Tuy quá trình xây dựng đòi hỏi mất nhiều thời gian, chi phí thực hiện tuân thủ lớn, nhưng đây là điều tất yếu, là hướng đi đúng mà Việt Nam sẽ làm.

QUỲNH ANH