Nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý đầu tư xây dựng của ngành văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 09/09/2019
(BKTO) - Nhiều dự án của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) cho dù đã được chú trọng đầu tư nhưng lại liên tục trễ tiến độ do những sai sót trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Dự án Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) vẫn còn dang dở sau 7 năm triển khai xây dựng- Ảnh: Báo Thái Nguyên
Chậm trễ do năng lựcchủ đầu tư và nhà thầu yếu
Sau gần 7 năm triển khai xây dựng, đến nay, Dự án Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên) vẫn chưa hoàn thành. Năm 2003, Bộ VH,TT&DL đã phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng nhà hát ca, múa, nhạc dân gian đa chức năng tại TP. Thái Nguyên để phục vụ nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật sân khấu của khu vực Việt Bắc. Dự án có công suất phục vụ tối đa cho 1.200 chỗ với tổng mức đầu tư gần 320 tỷ đồng, do Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ năm 2012, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Tây Hồ là nhà thầu chính. Tuy nhiên, sau gần chục lần gia hạn mà tiến độ Dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. Cuối năm 2018, chủ đầu tư đã có quyết định chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu chính để thay thế bằng nhà thầu khác. Dự kiến, việc thi công các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2019. Theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu ngay từ năm 2017 - khi nhà thầu liên tục để chậm tiến độ thi công và không còn đủ năng lực tài chính, tuy nhiên, Nhà hát chưa làm tròn trách nhiệm, từ đó dẫn đến những hạn chế nêu trên.
Đây chỉ là một trong số những trường hợp điển hình minh chứng cho sự yếu kém của chủ đầu tư lẫn nhà thầu được lựa chọn trong triển khai các dự án của ngành VH,TT&DL dẫn đến chậm trễ trong quá trình thi công dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư. Theo kết quả kiểm toán của KTNN đối với 12 dự án của ngành VH,TT&DL tại thời điểm năm 2018, hầu hết các dự án được kiểm toán đều trễ tiến độ so với kế hoạch đề ra. Yếu tố năng lực của các chủ đầu tư, đơn vị thi công không đảm bảo được xác định là một trong những nhóm nguyên nhân chính gây trễ tiến độ của dự án. Điển hình như tại Dự án Đầu tư xây dựng Nhà học - Đại học Mỹ thuật TP. HCM, Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp Nhà tập luyện đa năng Trường Đại học Thể dục thể thao TP. HCM...
Chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát đầu tư xây dựng
Cùng với những yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, công tác quản lý, giám sát đầu tư xây dựng dự án của ngành VH,TT&DL thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập cần chấn chỉnh.
Theo kết quả kiểm toán của KTNN năm 2018 tại nhiều dự án, như: Dự án Đầu tư xây dựng Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ giai đoạn 1, Dự án Đầu tư xây dựng Phòng hòa nhạc giai đoạn II của Học viện Âm nhạc Quốc gia, Dự án Xây dựng trụ sở các cơ quan thuộc Bộ VH,TT&DL... đều có sai sót, làm giảm hiệu quả đầu tư. Trong đó, nổi lên là các vi phạm trong công tác lập, thẩm tra, phê duyệt, tiên lượng dự toán thiếu chính xác dẫn đến hiện phải điều chỉnh, phát sinh, gây mất thời gian.
Tại Dự án Đầu tư xây dựng Phòng hòa nhạc giai đoạn II của Học viện Âm nhạc Quốc gia, công tác thiết kế còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, địa chất dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung hoặc hủy bỏ không đầu tư một số hạng mục; công tác thẩm định giá một số gói thầu chưa đảm bảo quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư số 126/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn thẩm định giá... Tương tự, Dự án Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc được phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô thiếu cơ sở tính toán dẫn đến dự toán chi phí xây lắp tăng so với ban đầu; công tác thiết kế, thẩm tra phần âm thanh không đảm bảo dẫn đến phải điều chỉnh...
Đáng chú ý, hầu hết các dự án đều chưa lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình. Qua kiểm toán cho thấy còn một số dự án, chủ đầu tư không ký hợp đồng tư vấn giám sát trong công tác khảo sát địa chất công trình - địa kỹ thuật mà tự tổ chức thực hiện là không đảm bảo; nhiều chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chưa lập quy trình bảo trì công trình theo quy định của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Công tác giám sát, đánh giá chất lượng đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó nổi lên là tình trạng thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện giám sát, thực hiện báo cáo giám sát của các chủ đầu tư; thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước...
Trên cơ sở những hạn chế, thiếu sót trong quá trình quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng được chỉ ra qua quá trình kiểm toán, KTNN đã đề nghị Bộ VH,TT&DL chỉ đạo chủ đầu tư các dự án chấn chỉnh các sai sót trong công tác lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế - dự toán, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng kinh tế và quản lý chất lượng công trình. Với vai trò là cơ quan chủ quản, Bộ VH,TT&DL cần tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án.
PHỐ HIẾN
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)