Quản lý, sử dụng kinh phí cho khoa học và công nghệ: Đầu tư dàn trải, không đúng mục đích

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:00, 15/09/2016

(BKTO) - NSNN dành cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) còn hạn hẹp nhưng việc phân bổ lại dàn trải; thiếu trọng tâm, trọng điểm; sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao. Đây là hạn chế được KTNN chỉ ra trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán Chuyên đề về công tác quản lý và sử dụng kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN năm 2014.



Việc phân bổ kinh phí đầu tư KH&CN tại các địa phương còn dàn trải Ảnh: TS

Kinh phí ít nhưng phân bổcòn dàn trải

Luật KH&CN quy định: “Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN”. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy giai đoạn 2011-2015, dự toán chi KH&CN chỉ đạt 1,46% so với tổng chi NSNN, riêng năm 2014 chỉ bằng 1,36% tổng chi NSNN.

Điều đáng nói là mặc dù kinh phí dành cho KH&CN hạn hẹp nhưng phân bổ lại dàn trải, theo phương thức rải khắp các Bộ, ngành, địa phương. Báo cáo kiểm toán của KTNN cho biết: Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển KH&CN cho 63 tỉnh, thành phố với số tiền là 3.050 tỷ đồng, theo tỷ lệ bình quân bằng 3,5% đầu tư cân đối ngân sách địa phương (NSĐP), không căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của từng địa phương. Điều này dẫn tới nhiều địa phương phân bổ, giao dự toán thấp hơn kế hoạch T.Ư giao.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Văn Tân - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, nhấn mạnh thêm: Việc phân bổ kinh phí đầu tư cho KH&CN tại các địa phương còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm và không tính đến khả năng hấp thụ kinh phí và nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ. Không ít trường hợp sau khi được phân bổ kinh phí, địa phương lại ký hợp đồng thuê các tổ chức KH&CN của T.Ư thực hiện. Vậy là, kinh phí phân bổ cho địa phương lại chảy ngược về cơ quan T.Ư.

Sử dụng ngân sáchkhông đúng mục đích

Bên cạnh thực trạng phân bổ dàn trải, việc sử dụng NSNN dành cho KH&CN còn không đúng mục đích. Cụ thể, trong lĩnh vực chi đầu tư xây dựng cơ bản, 7 địa phương phân bổ kinh phí cho các lĩnh vực, dự án, đề án không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển KH&CN với tổng số tiền 110,7 tỷ đồng; 8 địa phương giao vốn cho các dự án ngoài danh mục; 1 địa phương đã sử dụng 9 tỷ đồng nguồn vốn dành cho lĩnh vực KH&CN để đầu tư cho lĩnh vực khác. Thậm chí, một số địa phương đã sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN để chi cho hoạt động thường xuyên tại Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN; chi nhiệm vụ tại Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; mua sắm tài sản đầu tư lắp đặt hệ thống phần mềm; bổ sung kinh phí cho dự án không thuộc nhiệm vụ KH&CN do NSNN cấp kinh phí.

Không dừng lại ở đó, trong việc sử dụng ngân sách dành cho KH&CN còn lộ diện những nghịch lý. Minh chứng là, có những nhiệm vụ trọng yếu nhưng lại chưa được ưu tiên đầu tư; trong khi đó, có những nhiệm vụ chỉ mang tính chất thường xuyên, hàng năm thì lại “lấn sân” sang kinh phí khoa học. Chưa kể, một số đề tài được phê duyệt vào danh mục nhiệm vụ cấp thiết, đột xuất nhưng nội dung nghiên cứu không có tính chất này; phê duyệt chủ nhiệm, đơn vị chủ trì đề tài cho cá nhân, tổ chức chưa đủ điều kiện theo quy định; hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc sai quy định nhưng vẫn được phê duyệt, xét chọn. Việc các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị chủ yếu thực hiện hình thức xét chọn, giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN, chưa tăng cường các biện pháp để mở rộng hình thức tuyển chọn dẫn đến hiệu quả đầu tư cho KH&CN còn thấp.

Thực trạng trên xuất phát từ thực tế NSĐP còn hạn hẹp. Mặt khác, một số địa phương quan niệm đầu tư cho KH&CN không mang lại lợi ích trực tiếp, tức thời nên chưa chú trọng đầu tư. Hơn nữa, cơ quan T.Ư cũng như các Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt khâu kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý những bất cập trong quản lý, sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN - ông Nguyễn Văn Tân nhận định.

Chấn chỉnh việc quản lý,sử dụng kinh phí đầu tưcho KH&CN

Qua kết quả kiểm toán Chuyên đề quản lý, sử dụng nguồn kinh phí NSNN đầu tư cho KH&CN năm 2014 tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và 9 Bộ, cơ quan T.Ư có liên quan, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 125 tỷ đồng, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể đối với từng cấp.

Trao đổi về các kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Tân nêu rõ, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương phải lưu ý phân bổ kinh phí gắn với mục tiêu phát triển KH&CN và nhiệm vụ KH&CN hàng năm, phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng của các cơ sở khoa học. Kính phí cần tập trung cho các nhiệm vụ cấp thiết, cho các cơ sở KH&CN đầu ngành của T.Ư, không phân bổ dàn trải. Chẳng hạn, không nên áp đặt một tỷ lệ đầu tư cho KH&CN với tất cả các địa phương mà tùy theo khả năng, nhu cầu của từng địa phương để đưa ra phương án hợp lý, tránh tình trạng giao kinh phí cho địa phương nhưng địa phương lại không có đủ tiềm lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, phải chấn chỉnh việc xác định nhiệm vụ KH&CN của từng cấp (từ cấp quốc gia đến cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh và cấp cơ sở) phù hợp với nhu cầu thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tuân thủ nghiêm hình thức đặt hàng trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Bộ KH&CN phải phát huy tốt vai trò của cơ quan tham mưu trong việc xây dựng và phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN 5 năm và hằng năm, xác định nhiệm vụ KH&CN theo trật tự ưu tiên để thực hiện theo khả năng nguồn kinh phí.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cần hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN các cấp, từng bước mở rộng hình thức tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thu hẹp hình thức xét chọn, gắn với đề cao tính tự chủ của các tổ chức, cơ sở KH&CN để tăng tính cạnh tranh, minh bạch và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

NGỌC MAI