Nhiều thách thức trong phát triển kinh tế miền Trung

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:00, 15/09/2016

(BKTO) - Dải “xương sống quốcgia” tạo thành “đòn gánh hai đầu đất nước” mà PGS.TS. Trần Đình Thiên - Việntrưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng ví von sẽ có cơ hội cất cánh khi “Quy hoạchphát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đếnnăm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” vừa được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt vớimục tiêu góp phần phát triển kinh tế miền Trung theo hướng hiện đại?


Phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng hiện đại

Bản Quy hoạch xác định, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung sẽ trở thành khu vực quan trọng của cả nước về công nghiệp, thương mại, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có hàm lượng nội địa hóa, giá trị gia tăng cao.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ trở thành khu vực công nghiệp quan trọng của cả nước Ảnh: TK
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân phấn đấu đạt 17%/năm giai đoạn 2016-2020; tăng lên 17 - 18% giai đoạn 2021-2015 và giảm xuống giữ nhịp độ 15 - 16% giai đoạn 2025-2035. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp và xây dựng năm 2020 chiếm khoảng 40 - 41% GDP toàn Vùng; đến năm 2025 chiếm 41 - 42% và năm 2035 giảm xuống còn 36 - 37%.

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vùng bình quân đạt 16 - 18%/năm giai đoạn 2016-2020 và 16 - 17% giai đoạn sau năm 2020; phấn đấu đưa tỷ trọng của các loại hình bán lẻ hiện đại lên 25 - 30% trong tổng mức bán lẻ vào năm 2020 và đạt 35 - 40% vào năm 2035. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt mức 18 - 20%/năm và giai đoạn 2021-2035 đạt trên 18%; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đạt 10 - 20%/năm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2035 đạt khoảng 9 - 10%.

Ban hành kèm theo Quy hoạch này là danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu tại các địa phương thuộc các ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim, thiết bị điện, điện tử, lọc hóa dầu, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản và thực phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, dệt may, da giày. Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp sẽ được phân bố theo các hành lang kinh tế ven biển và các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Để phát triển thương mại, hệ thống chợ đầu mối, chợ hạng I, hạng II, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm cũng được quy hoạch, bố trí cụ thể về số lượng và quy mô ở mỗi địa phương.

Bộ Công thương kỳ vọng đến năm 2035, Vùng phát triển được các ngành sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, cạnh tranh thành công, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia được vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu. Phát triển thương mại đạt trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, hội nhập vững chắc với khu vực và quốc tế.

Nhiều thách thức khi thực hiện quy hoạch

Với vai trò Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung, TS.Trần Du Lịch đã từng nêu rõ những thách thức khi thực hiện các quy hoạch phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Thứ nhất là do lãnh thổ trải rộng và địa hình phức tạp sẽ cản trở không gian phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; đặc biệt là kết nối giao thông đường bộ. Thứ hai, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế là rất lớn; đa số các địa phương trong Vùng chưa có khả năng tích lũy để phát triển; thu nhập dân cư thấp. Thứ ba, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cạnh tranh đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao, nhưng để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cần có thời gian và nguồn lực không nhỏ. Trong khi đó, miền Trung hiện chưa có nhiều sản phẩm chủ lực, thương hiệu sản phẩm đặc trưng; sự hợp tác và liên kết Vùng chưa mang lại hiệu quả. Hơn nữa, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên; tác động của sự biến đổi khí hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Vùng.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tuy đã đề cập đến vấn đề hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, nhưng nội dung còn rất chung chung. Quy hoạch đề cập: liên doanh, liên kết giữa các DN, giữa các địa phương trong Vùng để triển khai dự án phát triển nhằm tiết kiệm nguồn lực, tăng cường hiệu quả, hiệu lực của dự án; tập trung xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp và thương mại có quy mô lớn mang tính liên vùng làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển các ngành khác trong Vùng. Trong Quy hoạch cũng không đưa ra những giải pháp cụ thể nào đối với vấn đề tăng cường liên kết Vùng.

Chỉ mới vài tháng trước đây, khi thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp và thương mại của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung nói riêng, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh đến yếu tố liên kết vùng còn chưa được chú trọng. Chính vì thế, từ góc nhìn thực tiễn, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề nghị, cần phải có nhiều giải pháp tăng cường liên kết Vùng như duy trì, củng cố tổ chức, thực thi hiệu quả chức năng về kinh tế xã hội, có sự hợp tác hiệu quả của DN trong nước và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù tập trung vào các ngành chế biến hải sản, du lịch và cảng biển, quan tâm đến các dự án trọng điểm của Vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm nghề cá, khai thác hải sản trong Vùng...

Như vậy, Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của Vùng đã có, vấn đề tiếp tục được đặt ra là hiệu quả thực hiện Quy hoạch như thế nào khi đang có rất nhiều khó khăn, thách thức phải ứng phó. Câu trả lời vẫn đang còn để ngỏ ở phía trước.

HỒNG THOAN