Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước năm 2013 của Bộ Y tế Kỳ 3: Đầu tư khi chưa xác định và cân đối được nguồn vốn
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:20, 23/06/2016
(BKTO)- Ngoài tập trung kiểm toán những vấn đề lớn của ngành y tế, báo cáo kiểmtoán của KTNN cũng dành một phần không nhỏ đánh giá về công tác đầu tư xây dựngcơ bản của Bộ Y tế năm 2013. Thực tế kiểm toán cho thấy, việc phê duyệt các dựán khi chưa phân khai chi tiết các nguồn vốn đầu tư, chưa xác định rõ nguồn vốnvà khả năng cân đối vốn đầu tư đã dẫn đến hầu hết các dự án bị kéo dài, chậmtiến độ do thiếu vốn, làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực củanguồn vốn đầu tư.
Qua kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác xây dựng Bệnh viện Nội tiết TƯ. Ảnh: TS
Theo báo cáo kiểm toán, trong 2 năm thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 1792), Bộ Y tế có 19 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (năm 2012 là 14 dự án, năm 2013 có 5 dự án) với tổng mức đầu tư thực hiện hơn 3,1 nghìn tỷ đồng. Các dự án đầu tư đều nằm trong Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, đối với 5 dự án khởi công năm 2013, kết quả kiểm toán cho thấy có đến 4/5 dự án trong quyết định đầu tư không xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Chỉ thị 1792 (Chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn phải có trong hồ sơ dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt), chỉ phân khai nguồn vốn NSNN và các nguồn vốn khác tại quyết định giao kế hoạch vốn 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thực tế trong 4 dự án trên, 2 dự án quyết định đầu tư ghi 2 nguồn vốn nhưng sử dụng 100% vốn NSNN (dự án xây dựng cải tạo nâng cấp Bệnh viện Lão khoa TƯ; dự án cải tạo cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế 2013-2015).
Chậm tiến độ, cắt giảm quy mô đầu tư do thiếu vốn
KTNN chỉ ra rằng, thực trạng những năm qua, không ít dự án của Bộ Y tế khi quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án kéo dài do không bố trí vốn kịp thời và đầy đủ để thực hiện.
Kiểm toán chi tiết 4 dự án (gồm dự án mở rộng, phát triển Viện bỏng Lê Hữu Trác; dự án xây dựng kí túc xá và khu thể thao trường Đại học Y Thái Bình; dự án cải tạo, mở rộng trường Cao đẳng, kỹ thuật y tế II; dự án cải tạo, mở rộng Bệnh viện Việt Nam - Thụy điển) cho thấy, tiến độ thực hiện các dự án đều chậm, phải gia hạn thời gian đầu tư do tiến độ bố trí kế hoạch vốn không đảm bảo theo kế hoạch đầu tư, chủ đầu tư chưa chủ động sử dụng nguồn vốn của đơn vị để đầu tư. Trong 4 dự án, chỉ có dự án mở rộng, phát triển Viện bỏng Lê Hữu Trác đầu tư theo đúng quy mô, tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu, 3 dự án còn lại phải cắt giảm quy mô đầu tư để hoàn thành dự án, kết thúc đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Quyết định đầu tư 3 dự án này cũng không phân khai chi tiết giá trị từng nguồn vốn để xác định trách nhiệm bố trí vốn.
Tình trạng trên cũng xảy ra đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép một số bệnh viện được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm đầu tư, mở rộng, mua sắm trang thiết bị, giải quyết cấp bách tình trạng quá tải. Tại thời điểm kiểm toán (tháng 4/2014), Bộ Y tế có 6 dự án được đầu tư bằng hình thức này với tổng mức đầu tư hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án còn lại đang trong quá trình thực hiện. Nhìn chung tiến độ thực hiện các dự án đều chậm, phải gia hạn thời gian đầu tư do năng lực của tư vấn thiết kế còn hạn chế, năng lực nhà thầu thi công chưa đảm bảo; vướng mắc về vốn đầu tư, trượt giá vật tư… Đặc biệt, tại dự án xây dựng mới Bệnh viện Nội tiết TƯ, chất lượng thiết kế còn nhiều hạn chế, phê duyệt tăng tổng mức đầu tư nhưng từ tháng 6/2012 đến thời điểm kiểm toán chưa được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay bổ sung dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm, đầu tư không đồng bộ, nợ đọng đầu tư kéo dài, chỉ tính riêng hạng mục Nhà khám 5 tầng đã nợ trên 32,6 tỷ đồng.
Cũng xuất phát từ nguyên nhân thiếu vốn, theo báo cáo của Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), ngoài các dự án trên còn 9 dự án khác cũng bị chậm tiến độ, phải kéo dài thời gian thực hiện, với tổng mức đầu tư hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, tổng giải ngân đến hết tháng 3/2014 là hơn 1 nghìn tỷ đồng. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư.
Từ thực tế kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 1792, chấm dứt tình trạng phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư không phân khai chi tiết giá trị từng nguồn vốn; tuân thủ thứ tự ưu tiên bố trí vốn; cắt giảm các hạng mục chưa cần thiết hoặc phân khai giai đoạn đầu tư đối với các dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, đảm bảo đưa dự án vào sử dụng đúng thời gian quy định.
Box: Thực hiện kiến nghị của KTNN, Bộ Y tế đã chủ động cắt giảm hạng mục chưa cần thiết của một số dự án, phân khai giai đoạn đầu tư để đưa công trình vào sử dụng theo đúng thời gian được duyệt. Đồng thời, Bộ Y tế đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn NSNN giai đoạn 2011- 2015 để cân đối nguồn vốn, tập trung và ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng cũng như tập trung vốn cho các dự án, công trình hoàn thành. Từ năm 2014, cơ bản Bộ đã bố trí đủ vốn để các dự án hoàn thành theo tiến độ, quyết định được phê duyệt.
ĐĂNG KHOA