Giải thích rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán

Đối nội - Ngày đăng : 20:45, 13/09/2019

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định không mở rộng đối tượng kiểm toán so với Luật KTNN hiện hành song cần thiết phải bổ sung khái niệm để làm rõ đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán theo hướng, trong quá trình thực hiện kiểm toán mà xác định có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, thì KTNN có thể mở rộng kiểm toán.


Sáng 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự Phiên họp.
                
   

Quang cảnh phiên họp- Ảnh: Quang Khánh

   
Chưa tiếp cận hồ sơ, đối chiếu kiểm tra thì không có cơ sở xác định dấu hiệu vi phạm

Tại phiên họp, nội dung về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là một trong những vấn đề được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận, cho ý kiến. Đây cũng là nội dung duy nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn có ý kiến khác nhau.

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TC- NS) Nguyễn Đức Hải, cho biết liên quan đến quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Theo cơ quan thẩm tra, việc quy định rõ “có dấu hiệu vi phạm” là cần thiết và có thể thực hiện được khi kiểm toán viên kiểm tra, xem xét hồ sơ, tài liệu tại đơn vị được kiểm toán.

Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan soạn thảo, KTNN cho rằng, trong bối cảnh KTNN chưa được tiếp cận hồ sơ, đối chiếu kiểm tra thì không có cơ sở xác định “dấu hiệu vi phạm”. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Luật KTNN hiện hành chỉ nói đến đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan mà chưa giải thích như thế nào là đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Vì vậy trong sửa đổi, bổ sung Luật lần này, KTNN đề nghị giải thích rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là như thế nào.

Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, việc Ủy ban TC-NS đưa ra khái niệm tại điểm 3a, khoản 1, Điều 1 trong Dự thảo Luật có cụm từ “có dấu hiệu vi phạm” là chưa đúng bản chất, chưa đảm bảo quy định quản lý tài chính công, tài sản công được chặt chẽ, hiệu quả, đúng pháp luật và chưa phù hợp với thực tế hoạt động KTNN; có nguy cơ là lỗ hổng lớn làm thất thoát tiền, tài sản nhà nước. Vì vậy, KTNN đề nghị bỏ cụm từ này.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận- Ảnh: Quang Khánh

   
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc bổ sung cụm từ trên là trái với nguyên tắc quy định tại Điều 118 Hiến pháp “KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” có nghĩa là ở đâu có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm tra, kiểm toán.

Nếu khi chưa kiểm tra, xem xét hồ sơ tài liệu thì chưa thể phát hiện ra “dấu hiệu vi phạm” để kiểm tra, đối chiếu. Vì vậy, khi đó KTNN quyết định kiểm tra, đối chiếu sẽ thiếu cơ sở thuyết phục và đơn vị sẽ không chấp hành. Mặt khác, Luật KTNN hiện hành đã quy định đối với những vụ việc khi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý (khoản 2, Điều 10 Luật KTNN). Do đó, nếu quy định có dấu hiệu vi phạm mới được kiểm tra, đối chiếu là không thực hiện được.

Cùng với đó, theo KTNN nếu bổ sung thêm cụm từ này sẽ không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán để làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với đơn vị được kiểm toán; đồng thời, tiềm ẩn khả năng thất thu lớn tài sản, NSNN.

Thực tiễn, qua hoạt động kiểm toán của KNNN đã thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu, truy thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho NSNN mỗi năm, đặc biệt là kiểm toán công trình BT, BOT đã chấn chỉnh công tác quản lý, chống thất thoát NSNN. Tuy nhiên, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, nếu bổ sung cụm từ trên thì KTNN sẽ không thể thực hiện kiểm tra đối với các dự án BT, BOT, kiểm tra việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do tổ chức ngoài nhà nước thực hiện... như lâu nay vẫn làm.

Từ phân tích trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trong quá trình kiểm toán xác định có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.”

Hoạt động của KTNN không thể bị “bó”

Quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận được sự đồng tình, nhất trí của nhiều thành viên UBTVQH.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, quan điểm của UBTVQH là về tổng thể không mở rộng phạm vi kiểm toán. Tuy nhiên, nếu có hoạt động liên quan đến kiểm toán thì cho phép KTNN có thể thực hiện kiểm toán. Nhưng như thế nào là liên quan thì cần làm rõ.

Đồng tình với phương án Tổng Kiểm toán Nhà nước đề xuất, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét: “Quy định như đề xuất của cơ quan thẩm tra có thể đảm bảo chặt chẽ nhưng khi cần thiết, cơ quan KTNN vào kiểm toán, đơn vị có liên quan có thể yêu cầu chỉ ra dấu hiệu vi phạm. Mà chưa đi vào kiểm toán thì làm sao phát hiện dấu hiệu vi phạm. Đây là vấn đề cân nhắc”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm, với vị thế của một thiết chế Hiến định độc lập, chúng ta kỳ vọng rất nhiều ở KTNN. Vì vậy, khi sửa đổi Luật này quy định về phạm vi kiểm toán cần đảm bảo là không “bó” cho cơ quan kiểm toán đồng thời cũng tránh việc lạm dụng. “Nếu sửa như thế này thì quá bó. Tôi đồng ý quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước, nếu quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm mới được vào kiểm toán thì không hợp lý, không thể làm được”- bà Nga nói.

Nhấn mạnh KTNN luôn song hành với quá trình kiểm soát của Nhà nước đối với quá trình quản lý tài chính, tài sản công, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hoạt động kiểm toán không phải chỉ liên quan đến việc xử lý vi phạm mà còn liên quan đến việc phòng, chống vi phạm. Từ chức năng đó để thấy rằng hoạt động của KTNN không thể bị “bó”, không phải chỉ khi có dấu hiệu sai phạm thì KTNN mới được vào kiểm toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nên ghi như Luật hiện hành, bổ sung thêm một số nội dung và nên bỏ cụm từ “có dấu hiệu vi phạm”, để có căn cứ giúp KTNN hoạt động rộng hơn.

Cũng đề cập đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình việc KTNN thực hiện kiểm toán các đối tượng có liên quan. Theo ông Thanh, trong quá trình kiểm toán, KTNN dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng điểm. Khi kiểm toán một đơn vị nào đó phát hiện DN, tập thể, cá nhân có liên quan, trưởng đoàn kiểm toán phải báo cáo với Tổng Kiểm toán Nhà nước để xem xét, đánh giá để có thể thực hiện đối chiếu. Tuy nhiên, cần làm rõ quy trình kiểm tra, đối chiếu với đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận Phiên thảo luận- Ảnh: Quang Khánh

   
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: UBTVQH khẳng định không mở rộng đối tượng kiểm toán, giữ nguyên Điều 4 của Luật hiện hành về đối tượng kiểm toán. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán có thể xuất hiện những hoạt động cần phải kiểm toán để làm rõ hơn đối tượng đang được kiểm toán, vì vậy đồng ý bổ sung một khái niệm để làm rõ Điều 4- như thế nào là các hoạt động có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

UBTVQH đồng tình quy định theo hướng, trong quá trình kiểm toán mà xác định có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán thì KTNN có thể mở rộng kiểm toán. Tuy nhiên, cần tiếp thu ý kiến, giải trình làm rõ việc mở rộng như thế nào; nếu kiểm toán toàn diện thì phải bổ sung vào kế hoạch kiểm toán để đảm bảo chặt chẽ.

N. HỒNG