Cơ chế tiền lương trong DN: Nhiều bất cập cần sửa đổi
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:00, 15/09/2016
(BKTO) - Dù đã qua 4 lần sửa đổi nhưng sau 3 năm thực thi, nhiều quy định hiện hànhtrong Bộ luật Lao động 2012 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, chưa đáp ứngđược yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó cócác quy định về tiền lương tại DN.
Cơ chế tiền lương còn nhiều bất cập
Tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Bộ luật Lao động 2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thừa nhận: Cơ chế tiền lương tại DN hiện nay còn cứng nhắc và thiếu linh hoạt (chủ yếu dựa trên quy định tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định hằng năm và thang bảng lương) dẫn đến tình trạng năng suất, chất lượng lao động chưa cao; có quy định chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn trong việc áp dụng.
Đáng lưu ý, việc một số điều khoản chưa được quy định rõ ràng đã dẫn đến những cách hiểu không đúng. Đơn cử, theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu “phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), mức lương tối thiểu vùng chỉ mới đáp ứng được khoảng trên 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. “Như vậy, dưới góc độ pháp chế, chính cơ quan nhà nước đã không tuân thủ quy định của pháp luật”- Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (TLĐLĐVN) Lê Đình Quảng kết luận. Còn ông Hồ Xuân Dũng - nguyên Phó Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH TP. HCM) cho rằng, quy định về mức lương tối thiểu hiện nay là nhằm đảm bảo an sinh xã hội nhưng lại chưa có tiêu chí, định lượng rõ ràng. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh luận gay gắt về mức lương tối thiểu giữa đại diện các bên liên quan trong các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG).
Quy định về mức lương tối thiểu hiện nay chưa có tiêu chí, định lượng rõ ràng Ảnh: TK
Khắc phục bất cập trong các quy định về tiền lương
Để khắc phục những bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định về tiền lương trong DN cần được sửa đổi, bổ sung khi sửa Bộ luật Lao động 2012 tới đây.
Liên quan đến tiền lương tối thiểu, không ít ý kiến đề nghị bổ sung thêm các điều khoản, căn cứ để xác định rõ mức sống tối thiểu. “Định lượng nhu cầu sống tối thiểu dựa trên các căn cứ nào? Ai có thẩm quyền công bố ? Nhu cầu này có phụ thuộc vào sự thay đổi của nền kinh tế không?...” - ông Hồ Xuân Dũng đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, Bộ luật cần bổ sung tiêu chí về năng suất lao động và khả năng đáp ứng của nền kinh tế nhằm đảm bảo đời sống của người lao động và sức chịu đựng của DN. Ngoài ra, để xây dựng cơ chế tiền lương tối thiểu rõ ràng, minh bạch, cần sớm xây dựng và ban hành Luật Tiền lương tối thiểu.
Một trong những điểm mới của Bộ Luật lao động 2012 là quy định về HĐTLQG. Đây là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, có trách nhiệm nghiên cứu, khuyến nghị với Chính phủ về việc điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và người lao động. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, HĐTLQG vẫn chưa phát huy hết vai trò trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu sống tối thiểu, tác động của tăng lương đối với tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, để quyết định tăng lương tối thiểu vùng mang tính khách quan, hợp lý, Bộ luật Lao động cần bổ sung thêm thành viên HĐTLQG là các nhà khoa học, chuyên gia, bên cạnh các thành viên như đã quy định.
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn đề nghị bỏ quy định về bội số của thang lương, khoảng cách chênh lệch 5% giữa các bậc lương của thang lương; đồng thời quy định rõ hơn về phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, hỗ trợ, trợ cấp, khuyến khích người lao động nhằm hướng tới xây dựng cơ chế tiền lương trong DN linh hoạt, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
THÀNH ĐỨC