Trưởng đoàn kiểm toán có quyền truy cập, khai thác dữ liệu điện tử

Đối nội - Ngày đăng : 10:30, 13/09/2019

(BKTO) - Sáng 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự Phiên họp.


                
   

Quang cảnh phiên họp- Ảnh: Quang Khánh

   

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung liên quan đến: Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp; bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban TC- NS đã thống nhất bỏ các quy định chi tiết, cụ thể liên quan đến Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ quy định nguyên tắc chung; loại bỏ hoặc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phòng chống tham nhũng cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng; bỏ quy định về giám sát hoạt động kiểm toán, công khai báo cáo kiểm toán do Luật hiện hành đã quy định đầy đủ. Đồng thời, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt, đánh giá tác động và bỏ việc bổ sung nhiệm vụ kiểm toán vì sự phát triển bền vững của đất nước, nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của kiểm toán nội bộ.

Dự thảo Luật cũng giữ nguyên nhiệm vụ “thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” do KTNN đã rà soát, thống kê các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu KTNN thực hiện và nhận thấy mức độ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN là không lớn.

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã tập trung cho ý kiến về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Qua thảo luận, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất của KTNN về việc giải thích rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. UBTVQH khẳng định Dự thảo Luật không mở rộng đối tượng kiểm toán, giữ nguyên Điều 4 của Luật KTNN hiện hành về đối tượng kiểm toán. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán có thể xuất hiện những hoạt động cần phải kiểm toán để làm rõ hơn đối tượng đang được kiểm toán, vì vậy UBTVQH đồng ý bổ sung một khái niệm để làm rõ Điều 4 - như thế nào là các hoạt động có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

UBTVQH đồng tình quy định theo hướng, trong quá trình kiểm toán mà xác định có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán thìKTNN có thể mở rộng kiểm toán. Tuy nhiên, cần tiếp thu ý kiến, giải trình làm rõ việc mở rộng như thế nào; nếu kiểm toán toàn diện thì phải bổ sung vào kế hoạch kiểm toán để đảm bảo chặt chẽ.

Liên quan đến việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu của đơn vị được kiểm toán, qua thảo luận, UBTVQH nhất trí cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán. Theo đó, UBTVQH thống nhất quy định Trưởng đoàn kiểm toán có quyền truy cập và có thể ủy quyền bằng văn bản cho thành viên đoàn kiểm toán truy cập, khai thác dữ liệu điện tử của các đơn vị...

UBTVQH cũng thống nhất không quy định trong Dự thảo Luật thẩm quyền giám định tư pháp của KTNN và sẽ xem xét quy định tại Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, năm 2020.

Liên quan đến quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, UBTVQH nhất trí về trình tự, thẩm quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán, được đưa ra trong báo cáo tiếp thu, giải trình. Theo đó, đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên Đoàn kiểm toán; Đơn vị kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động của KTNN. Đồng thời, quy định rõ, nếu không đồng ý vớiquyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.

Đặc biệt, nhiều ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh, trong quá trình khiếu nại, khởi kiện đơn vị được kiểm toán vẫn phải bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhằm đảm bảohiệu lực, hiệu quả của kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến UBTVQH hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; hoàn thiện Dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019.

N. HỒNG