Nhiều bất cập trong quản lý chất thải công nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:10, 23/06/2016

(BKTO) - Chưa cần đến nghi vấn xả thải của Công ty GangThép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thực trạng xả thải công nghiệp gây ô nhiễmvẫn luôn là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý và là nỗi bức xúc của dưluận. Hàng loạt vụ xả thải từng được phát giác trước đây của các công ty nhưVedan, Hào Dương, Tung Kuang, PangRim Neotex… ít nhiều đặt ra những dấu hỏi vềsự bất cập, hạn chế của các chính sách cũng như tình hình thực thi về quản lý,giám sát ô nhiễm công nghiệp.



Ban hành nhiều quy định về môi trường nhưng việc kiểm soát còn nhiều bất cập. Ảnh: TL
Quy định nhiều, giám sát yếu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường do nước thải từ khu công nghiệp những năm gần đây có tốc độ gia tăng cao hơn nhiều so với nước thải từ các lĩnh vực khác. Trong số hơn 200 khu công nghiệp đang hoạt động có 165 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 79%. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này không vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn Việt Nam.

Hàng loạt vụ xả thải chưa qua xử lý từng được phát giác trước của các công ty như Vedan (Đồng Nai), Hào Dương (TP.HCM), Tung Kuang (Hải Dương)… và tình trạng cá chết hàng loạt tại miền Trung vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho những hạn chế thực thi về giám sát, quản lý chất thải công nghiệp. Các chuyên gia môi trường cho rằng đây là hậu quả của một thời gian dài chỉ tập trung vào kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh mà thiếu sự cân nhắc vấn đề môi trường. Hiện, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, “không phát triển bằng mọi giá”. Chính vì vậy, cần rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Theo nhận định của GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc giám sát của Việt Nam khá yếu. Ông Võ đưa ra dẫn chứng từ vụ cá chết ở Hà Tĩnh. Theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ban đầu của Formosa thì cần xả thải ra sông Quyền trước khi xả ra biển nhưng cuối cùng Formosa lại thải ra biển. Tại sao cơ quan quản lý ở Hà Tĩnh lại không biết? Điều này cho thấy lỗ hổng trong giám sát. Bên cạnh đó, quy hoạch môi trường hiện nay là việc lúng túng nhất của chúng ta. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định quy hoạch môi trường là thành phần của quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhưng quy hoạch kinh tế - xã hội hiện nay chưa thực hiện quy hoạch gì về môi trường. Hiện chúng ta có tới 60 Khu kinh tế ven biển và cửa khẩu, hiệu quả kinh tế thấp nhưng vấn đề là các khu kinh tế hiện nay chủ yếu đang thiên về phát triển kinh tế. Thảm họa môi trường lần này là dịp để chính quyền nhìn lại hệ thống chính sách và thực thi của chúng ta.

Nhấn mạnh đến khâu giám sát, TS. Nguyễn Xuân Sinh, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) thẳng thắn chia sẻ: Việc ban hành các quy định của Việt Nam rất nhiều nhưng việc kiểm soát vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều nhà máy ban ngày vận hành buổi tối xả thải là chuyện không hiếm. Vấn đề nằm ở khâu giám sát, kiểm soát của chúng ta.

Cần thiết phải đưa kiểm toán môi trường vào luật

Bảo vệ môi trường là yếu tố không thể tách rời sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thảm họa môi trường trong thời gian qua là một hồi chuông báo động khiến nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải đưa kiểm toán môi trường vào luật.

Kiểm toán môi trường không còn xa lạ ở các nước có nền công nghiệp hiện đại, tuy nhiên cũng còn khá mới mẻ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với tư cách là công cụ quản lý quan trọng trong hệ công cụ quản lý của một quốc gia, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) phải là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm kiểm toán môi trường để thấy được bức tranh tổng thể về tình hình quản lý và bảo vệ môi trường của quốc gia cũng như của các khu vực trọng điểm, trên cơ sở đó cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý chức năng đưa ra những quyết định quản lý vĩ mô. Ở Việt Nam, kiểm toán môi trường cũng là một trong các hoạt động ưu tiên của KTNN Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc luật hóa kiểm toán môi trường, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: Kiểm toán là công cụ các nước làm rất rộng, và giao cho KTNN. Đây là điều chúng ta cần phải đưa gấp vào hệ thống pháp luật càng sớm càng tốt vì đó là công cụ vừa giám sát, vừa kiểm tra. Đồng thời đây cũng là công cụ để chống tham nhũng.

Đồng quan điểm, TS. Trần Thế Loãn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) chia sẻ: Đây là vấn đề đã được đặt ra từ 2005. Việc đưa quy định về kiểm toán đã từng được đưa ra trao đổi nhưng đã không được đưa vào để trình lên Quốc hội. Thực tế là các nhà khoa học rất muốn đưa kiểm toán môi trường vào luật nhưng họ không phải nhóm có quyền quyết định. Còn TS. Trần Hiếu Nhuệ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ Môi trường thì nhấn mạnh: Kiểm toán môi trường là công cụ tốt, có thể giúp các DN tiết kiệm năng lượng, hạn chế lãng phí nguồn nước, tài nguyên. Cần phải biến kiểm toán môi trường trở thành “máu thịt” của DN.
HOÀNG LONG