Đổi mới thi cử không phải là cuộc “thử nghiệm”!

Xã hội - Ngày đăng : 12:00, 15/09/2016

(BKTO( - Bộ Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổthông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017 (phương án thi2017). Kỳ vọng phương án mới sẽ khắc phục được những nhược điểm của kỳ thi năm2016, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng lưu ý, việc đổi mới lộtrình thi cần được nghiên cứu thận trọng, không nên mỗi năm lại thay đổi theokiểu “thử nghiệm” như hiện nay.


Đọc dự thảo phương án thi mới, so với phương án thi vừa qua, ông có nhận định như thế nào về những thay đổi sẽ diễn ra trong kỳ thi năm 2017?

Năm 2016 là năm thứ hai thực hiện kỳ thi đổi mới theo hình thức cụm thi trong toàn quốc. So với năm đầu tiên, kỳ thi năm nay diễn ra thuận lợi cho thí sinh và cơ bản được đánh giá là thành công. Điểm nhấn của kỳ thi năm nay là đã đảm bảo được hai mục đích, xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ đồng thời đã có sự tham gia tích cực của các trường, chính quyền địa phương, toàn xã hội.

GS. Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: P.H
Tuy nhiên nhìn lại kỳ thi vừa qua, chúng ta thấy vẫn còn một số bất cập như: tổ chức thi vẫn còn nặng nề do duy trì 2 loại cụm thi (một do ĐH chủ trì, một do địa phương chủ trì), một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương; đề thi chưa bao quát tối đa chương trình nên còn hiện tượng học tủ, học lệch, chưa mang tính tích hợp để qua đó đánh giá tốt hơn năng lực của học sinh; số ngày thi còn dài (thi 8 môn trong 4 ngày); hiện tượng thí sinh ảo trong tuyển sinh vẫn lớn...

Do đó, khi nhìn vào Dự thảo phương án thi năm 2017, chúng tôi cũng thấy mừng, vì những bất cập nêu trên sẽ được hạn chế đến mức tối đa nếu ngành Giáo dục làm tốt khâu thực hiện. Học sinh sẽ phải thi tối thiểu 5 bài thi, thay vì 4 môn thi như năm ngoái, thay đổi này nhằm giảm khả năng học lệch, học tủ của thí sinh. Đồng thời, với việc dịch chuyển từ môn thi sang bài thi, Bộ GD&ĐT đang chuyển hướng đánh giá năng lực của học sinh theo xu thế chung của giáo dục thế giới, đó là tập trung vào đánh giá năng lực phân tích. Thời gian thi cũng được rút gọn xuống còn 2 ngày, thay vì 4 ngày như trước đây sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội, gia đình thí sinh.

Dự thảo có đưa ra một điểm mới làmôn Toán sẽ thi trắc nghiệm. Cách thi này tạo ra lo ngại ảnh hưởng tới tư duy toán học của thí sinh. Ông nhìn nhận việc này ra sao?

Về khả năng ảnh hưởng của đề thi trắc nghiệm khách quan đến tư duy toán học của học sinh, theo tôi không đáng lo. Bởi thi tốt nghiệp chỉ là một thời khắc; cả quá trình dạy và học mới quan trọng. Trong quá trình dạy học, giáo viên vẫn ra các bài tập kiểu khác cho học sinh làm thì vẫn rèn được tư duy cho các em. Chỉ có điều trong một kỳ thi, nếu chỉ đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan thì sợ không đánh giá được hết năng lực của học sinh, đặc biệt là năng lực tư duy. Do đó, ở một số nước, trong kỳ thi, người ta thường ra những đề thi kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Bài tự luận có thể ngắn thôi, mục đích là để đo năng lực tư duy, diễn đạt của người học. Tôi cho rằng, trước mắt Bộ GD&ĐT nên áp dụng kết hợp cả thi trắc nghiệm lẫn tự luận đối với môn Toán trong kỳ thi tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc rút kinh nghiệm tổ chức để làm tốt hơn trong năm sau là cần thiết, nhưng việc thay đổi thường xuyên phương án thi khiến thí sinh rất bị động. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Việc điều chỉnh, cải tiến phương án thi theo hướng tích cực, hoàn thiện hơn là cần thiết. Nhưng, kỳ thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ không thể thay đổi một năm một lần mà phải có kế hoạch khoa học và tổng thể, thực hiện từng bước, có lộ trình và chủ động. Đâu đó có ý kiến rằng, việc Bộ áp dụng mỗi năm một phương thức thi với nhiều điểm mới không khác nào coi kỳ thi quốc gia là một cuộc thử nghiệm. Tôi cho rằng một phương án áp dụng cho cả nước thì không thể gọi là thử nghiệm vì tính tác động của nó tới hàng triệu thí sinh và ảnh hưởng đến toàn xã hội cũng như tương lai giáo dục của đất nước. Do đó, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu thận trọng để công bố một lộ trình đổi mới thi cử, không nên mỗi năm thay đổi một lần như vừa qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (Thực hiện)