Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu định giá doanh nghiệp cổ phần hóa

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:40, 18/09/2019

(BKTO) - Một trong những nút thắt khiến cho việc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN chậm tiến độ là do khâu định giá DN. Những vướng mắc này sẽ được cơ quan quản lý xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.


Nhiều vướng mắc khi định giá doanh nghiệp

Ông Vũ An Khang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) - cho rằng: Dù các văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn DNNN ngày càng hoàn thiện nhưng khi áp dụng, các đơn vị tư vấn như VVFC và DN cổ phần hóa, thoái vốn vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể là:
Đối với phương án sử dụng đất: Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (Nghị định 126), các DN cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết các địa phương đều chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty phải xin giãn tiến độ cổ phần hóa.

Đối với đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm: Theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, đơn vị thuê đất phải nộp tiền thuê theo giá đất cụ thể, chỉ ổn định trong một chu kỳ ngắn và cũng không được cho thuê lại đất. Nghị định 126 không quy định giá trị lợi thế đối với quyền thuê đất hằng năm trong giá trị DN khi cổ phần hóa. Trong khi đó, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN (Nghị định 32) lại yêu cầu phải xác định đầy đủ giá trị quyền thuê đất hằng năm khi xác định giá trị vốn nhà nước tại DN. Như vậy có thể thấy, đơn giá thuê đất hằng năm đã được xác định theo giá đất cụ thể, chỉ ổn định trong một chu kỳ ngắn và sẽ được điều chỉnh theo giá đất cụ thể tại thời điểm hết kỳ ổn định. Việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất hằng năm là không phù hợp về cả pháp lý và thực tiễn.

Bà Phan Vân Hà - Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá IVC Việt Nam - cũng chia sẻ: Sự bất nhất trong quy định về giá trị lợi thế đối với quyền thuê đất hằng năm tại Nghị định 126 và Nghị định 32 khiến DN tư vấn khá lúng túng khi xác định giá trị DN. Theo Nghị định 32, việc xác định chênh lệch lợi thế quyền thuê đất để định giá DN đang rất vướng bởi lẽ thẩm quyền xác định giá đất là do UBND cấp tỉnh. IVC Việt Nam đang tư vấn về cổ phần hóa cho một DN ở Hà Nội có đất tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Thanh Hóa. Để xác định giá đất, TP. Hà Nội yêu cầu phải có ý kiến của UBND tỉnh Kiên Giang và Thanh Hóa nên DN phải chờ, trong khi theo quy định, cứ qua 6 tháng, đất sẽ được định giá lại. Điều này khiến việc cổ phần hóa của các DN gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, đại diện VVFC cũng cho rằng, còn nhiều vướng mắc trong việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh của DN như: giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ của DN, hay việc xác định giá tài sản là công trình nhà cửa, vật kiến trúc cũng như phương pháp định giá DN khi thoái vốn nhà nước. Có không ít DN thoái vốn đang lúng túng, thậm chí lo lắng khi hiểu rằng, với quy định hiện hành, việc xác định giá cổ phần tại các DN có vốn nhà nước phải thực hiện theo phương pháp tài sản. Trong thực tế, nhiều DN có tỷ trọng vốn nhà nước dưới 50%, thậm chí có DN tỷ trọng vốn nhà nước chỉ từ 5 - 10%. Với những trường hợp này, DN thẩm định giá đã gặp khó khăn khi dùng phương pháp tài sản để xác định giá cổ phần vì công ty không cung cấp tài liệu kiểm kê, đánh giá thực trạng tài sản, đối chiếu công nợ….

Những kiến nghị từ các doanh nghiệp tư vấn định giá

Ðối với việc rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa, đại diện VVFC đề xuất Nhà nước cho phép DN kết hợp quá trình xác định giá trị DN cùng với việc trình duyệt phương án sử dụng đất. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu làm chậm trễ khi phê duyệt phương án sử dụng đất.

Để tránh khó khăn, lúng túng, lo lắng cho các đơn vị tư vấn định giá và các DNNN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, VVFC đề xuất bỏ nội dung “xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm” tại Nghị định 32 cho phù hợp với Nghị định 126. Đồng thời, Nhà nước cần có quy định chi tiết để xác định đơn giá thuê đất sát với thực tế, đảm bảo rằng những vị trí đất thuận lợi, có khả năng sinh lời cao phải có giá thuê đất cao hơn những vị trí đất có khả năng sinh lời thấp; đồng thời, những vị trí đất có hệ số sử dụng đất cao phải có giá thuê đất cao hơn những vị trí có hệ số sử dụng đất thấp.

VVFC cũng đề xuất sửa đổi quy định về việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh của DN tại Nghị định 32 nhằm tạo điều kiện cho DN trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa.

Bà Phan Vân Hà cũng kiến nghị, cơ quan quản lý cần điều chỉnh quy định về giá trị lợi thế đối với quyền thuê đất hằng năm cho thống nhất.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết: SCIC đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan liên quan sớm ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định 126 về phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý về các vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng phương án cổ phần hóa và chính sách đối với người lao động dôi dư…

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đã rà soát và sẽ đề xuất Chính phủ xem xét, bãi bỏ một số nội dung không phù hợp mà các DN tư vấn định giá nêu trên để góp phần đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn DNNN.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019