Các yếu tố ngoại biên vẫn tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9
Đầu tư - Ngày đăng : 14:45, 18/09/2019
(BKTO) - Căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang sau thời gian tạm lắng kết hợp với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi VN-Index tiến gần tới ngưỡng kháng cự 1.000 điểm đã khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong tháng 8. Dù nửa cuối tháng, thị trường có hồi phục nhưng áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại khiến đà tăng không duy trì được lâu. Theo dự báo, các yếu tố ngoại biên sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong tháng 9.
Khối ngoại bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng
Kết thúc tháng 8, VN-Index giảm -7,6 điểm, tương đương giảm -0,77% so với cuối tháng trước và tăng +8,06% so với cuối năm 2018, chỉ số HNX-Index giảm -2,11 điểm, tương đương giảm -2,02% so với cuối tháng 7 và giảm -0,54% so với cuối năm 2018.
Như vậy, kể từ khi tạo đỉnh vào đầu tháng 3, đã có tới 4 lần chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm sau khi tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.000 điểm. Tuy nhiên, khác với những lần trước, các chuỗi tăng giảm ngày càng ngắn và có biên độ hẹp hơn, thanh khoản cũng có sự cải thiện cho thấy dòng tiền ngắn hạn đang chiếm tỷ trọng giao dịch lớn trên thị trường.
Kết thúc tháng 8, vốn hóa trên cả 2 sàn HSX và HNX đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 150,75 tỷ USD, giảm -0,58% so với tháng trước và tăng 10,84% kể từ đầu năm. Sàn Upcom tăng nhẹ lên mức trên 1 triệu tỷ đồng. Sàn HOSE có 311 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung, 203,9 triệu cổ phiếu niêm yết lần đầu và 9,57 triệu cổ phiếu hủy niêm yết.
Thanh khoản bình quân trên 2 sàn HSX và HNX tăng 12,9% so với tháng 7/2019 và tăng lên mức 4.777 tỷ đồng/phiên, tương đương gần 205 triệu USD/phiên. Những phiên thị trường hồi phục thường có thanh khoản cao hơn trung bình cho thấy lực cầu tại vùng giá thấp là khá dồi dào.
Trong tháng này, khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị bán ròng trên sàn HSX lớn nhất kể từ đầu năm là 1.706 tỷ đồng. Nổi bật trong nhóm được mua ròng là VIC (1.056 tỷ đồng) và CMG (212 tỷ đồng), trong khi dẫn đầu nhóm bán ròng có VJC (1.021 tỷ đồng), HPG (521 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ VFMVN30 (464 tỷ đồng) và VRE (247 tỷ đồng).
Tháng vừa qua là tháng kém tích cực nhất đối với các quỹ ETF khi giá trị rút ròng lên tới hơn 50 triệu USD - cao nhất kể từ đầu năm. Tất cả các quỹ ETF lớn đều bị rút vốn trong tháng 8: Vaneck (-11 triệu USD), FTSE (-14,5 triệu USD) và VFMVN30 (-24 triệu USD). Trong khi đó, lượng tiền vào qua quỹ mới Premia là không đáng kể (+0,8 triệu USD).
Yếu tố ngoại biên sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong tháng 9
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cuộc chiến thương mại vẫn đang là vấn đề tâm điểm, tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Nỗi lo về kịch bản suy thoái đã khiến dòng tiền dịch chuyển vào các kênh đầu tư an toàn như: trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, các kim loại quý. Diễn biến này có thể tiếp tục diễn ra vào những tháng còn lại cuối năm, khi cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết và đang mở rộng khó lường trên nhiều hướng khác nhau.
Sau hơn 1 năm trải qua nhiều vòng đàm phán, các cuộc đàm phán vẫn bế tắc, thậm chí mức độ trả đũa lẫn nhau ngày càng nghiêm trọng và mở rộng. Những toan tính chính trị được lồng ghép vào cuộc chiến thương mại đang đẩy cuộc chiến đi xa và khó lường. Trong thời gian tới, đây tiếp tục là rủi ro không chỉ cho kinh tế toàn cầu mà cả kinh tế Việt Nam. Vòng xoáy đàm phán: không đạt thỏa thuận - Mỹ tăng thuế - Trung Quốc trả đũa lặp đi lặp lại cho thấy khó có khả năng 2 bên sớm đạt được thỏa thuận.
Nguy cơ Brexit không thỏa thuận đang đến rất gần. Tân Thủ tướng Anh đã khẳng định, Anh sẽ đoạn tuyệt với EU vào ngày 31/10 dù có hay không thỏa thuận. Động thái của Thủ tướng Johnson đang đẩy nhanh tiến trình Brexit. Tuy nhiên, những đàm phán trước đó với EU vẫn chưa có sự đột phá. Điều này càng khiến cho khả năng Brexit sẽ đúng thời hạn nhưng nguy cơ cao sẽ không có thỏa thuận. Mặc dù mức độ ảnh hưởng của Brexit không còn nhiều khi sự chú ý dồn vào thương chiến Mỹ - Trung nhưng đây là một biến cố không tích cực và rủi ro đối với các thị trường không lớn.
Nhiều khả năng Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng của Tổ chức FTSE Russell. FTSE sẽ công bố kết quả xếp hạng thị trường vào ngày 26/9 tới đây. Trước đó, trong kỳ cập nhật giữa kỳ vào tháng 3, FTSE Russell giữ Việt Nam trong danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 nhưng hạ hạng với một số tiêu chí so với kỳ rà soát tháng 9/2018. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng qua đã có sự thay đổi về quy mô vốn hóa (do một số công ty niêm yết trên sàn Upcom chuyển sang sàn Hose), nhưng chưa có chuyển biến chính sách để đáp ứng tiêu chí của FTSE Russell. Những thay đổi chỉ đến khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua vào cuối năm nay, có hiệu lực vào năm 2020. Do vậy, nhiều khả năng Việt Nam vẫn được giữ trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell trong đợt công bố này và cơ hội nâng hạng chỉ đến vào cuối năm 2020 hoặc 2021.
Có thể xuất hiện thêm dòng tiền mới từ các quỹ ETF. Mới đây, HSX đã công bố 3 bộ chỉ số mới. Trong đó, bộ chỉ số Vietnam Diamond Index hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài vì các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thành phần sẽ phần nào giải tỏa nhu cầu sở hữu cổ phiếu tốt nhưng đã chạm giới hạn sở hữu của giới đầu tư này. Sự ra đời của các ETFs mô phỏng các rổ chỉ số mới này có thể giúp thị trường thu hút dòng tiền mới từ nước ngoài.
Sự bất lợi từ bối cảnh thế giới khiến VN-Index chưa thể chinh phục mốc 1.000 điểm đi kèm với sự suy yếu về mặt thanh khoản. Tuy nhiên, VN-Index vẫn hấp dẫn so với các thị trường khác nhờ bối cảnh vĩ mô tích cực và khả năng duy trì đồng nội tệ ổn định. Kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm của nhóm cổ phiếu đầu ngành mặc dù giảm tốc về tăng trưởng lợi nhuận nhưng hầu hết vẫn duy trì tăng trưởng và phù hợp kỳ vọng của giới phân tích. Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 8, chỉ số P/E của VN-Index giảm xuống mức 16,69 lần, của HNX-Index giảm xuống mức 7,37 lần đang tạo ra sự hấp dẫn hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với bối cảnh như vậy, có thể nhận định, sự chững lại trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội để nhà đầu tư quan sát, tìm hiểu và tích lũy cổ phiếu thuộc các nhóm ngành không phụ thuộc vào biến động bất thường của thương mại toàn cầu.
PHẠM DŨNG
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019