Vướng mắc trong quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài

Xã hội - Ngày đăng : 14:50, 18/09/2019

(BKTO) - Trong khi nhu cầu học tập tại các cơ sở giáo dục có chương trình quốc tế ngày càng cao thì đến nay, pháp luật trong nước vẫn chưa có quy định về loại hình trường này. Điều này khiến cho công tác quản lý nhà nước đối với nhóm trường có sử dụng chương trình giảng dạy nước ngoài gặp nhiều khó khăn cũng như tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người học.



Việt Nam là quốc gia có nhu cầu học tập cao tại các cơ sở giáo dục có chất lượng quốc tế. Ảnh: Bình Minh

Chưa có trường quốc tế

Thời gian qua, tình trạng nhiều cơ sở giáo dục gắn mác quốc tế tùy tiện cho thấy những hạn chế trong công tác quản lý giáo dục cũng như tiềm ẩn rủi ro với người học. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, tính đến tháng 8/2019, địa bàn Hà Nội có 14 trường mầm non và 11 trường cấp phổ thông có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở GD&ĐT; có 3 trường mầm non có vốn đầu tư Việt Nam và nước ngoài. Hiện nay, còn một số trường như Trường: UNIS, Alexandre Yersin, HIS, Nhật Bản... được thành lập bởi liên Bộ GD&ĐT và Bộ Ngoại giao, đang làm thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định. Trong khi đó, cùng giảng dạy chương trình nước ngoài, song tại TP. HCM, các trường này lại được xếp vào nhóm trường “có yếu tố nước ngoài” với 21 trường đang hoạt động.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý giáo dục tại các địa phương này, về cơ bản, các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn đã hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế một số trường không có tên “quốc tế” nhưng đã tự gắn bằng mác “quốc tế” khi nhà trường có giảng dạy chương trình nước ngoài và có giáo viên người nước ngoài. Việc gắn mác như trên của các trường nhằm tác động vào tâm lý của một bộ phận gia đình, người học, từ đó học phí của các trường mác quốc tế được đẩy lên cao hơn so với thực tế.

Theo các chuyên gia giáo dục, Luật Giáo dục hiện hành ghi nhận hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: trường công lập, trường tư thục và trường dân lập. Khái niệm trường quốc tế vẫn chưa được định danh mà chỉ là tên gọi được các trường tự đặt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tên gọi nhà trường chưa phải nói lên tất cả, nên phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như: chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị... thông qua nhiều kênh khác nhau như là trang web của trường, thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước.

Tháo gỡ rào cản để phát triển giáo dục

Việc định danh trường theo nguồn vốn đầu tư hay theo chương trình giảng dạy còn thiếu rõ ràng, thống nhất sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và gây khó khăn với chính yêu cầu phát triển của ngành giáo dục.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài không được gọi là trường quốc tế mà được gọi là các trường có vốn đầu tư nước ngoài, tức là dựa trên nguồn vốn, không theo chương trình giảng dạy. Quy định như vậy sẽ dẫn đến nhiều biến động trong thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước lẫn việc phát triển lành mạnh của hệ thống cơ sở giáo dục. Đơn cử, thời gian qua, việc thay đổi chủ sở hữu và nguồn vốn trong đầu tư giáo dục diễn ra phổ biến. Điển hình là vụ việc Công ty Giáo dục Thành Thành Công của Việt Nam được bán cho Quỹ đầu tư Navis Capital Partners, Malaysia. Công ty này hiện sở hữu chuỗi cơ sở giáo dục tại khu vực miền Nam, với 17 trường học, viện nghiên cứu và các trung tâm đào tạo tiếng Anh, như: Đại học Yersin Đà Lạt và Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi. Như vậy, các cơ sở giáo dục này, sau khi được mua lại bằng nguồn vốn nước ngoài thì có được phép giảng dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế cho học sinh Việt Nam ở trong nước hay không?

Mặt khác, theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 (Nghị định 86) thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD&ĐT, khi nhà đầu tư Việt Nam mua lại toàn bộ “cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài” của nhà đầu tư nước ngoài thì trường cũng không được giảng dạy chương trình quốc tế và cấp bằng quốc tế cho học sinh Việt Nam ở trong nước, vì lúc đó, các cơ sở không còn yếu tố “vốn đầu tư nước ngoài”.

Trước một số bất cập liên quan đến Nghị định 86, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ đang xây dựng Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định này. Thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể khoản 3, Điều 37 của Nghị định, đưa ra quy định về nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu để bổ sung một số quy định liên quan đến trường có yếu tố nước ngoài cũng như nghiên cứu, đề xuất mô hình trường quốc tế.

Thực tế cho thấy, mong muốn được học tập tại các môi trường quốc tế của người dân và nhu cầu lập trường quốc tế của các nhà giáo dục là nhu cầu chính đáng hiện nay. Tuy nhiên, quy định của luật, đặc biệt là quy định hướng dẫn hiện hành như Nghị định 86 đang không còn phù hợp. Điều này sẽ trở thành rào cản đối với công tác xã hội hóa GD&ĐT, cản trở sự phát triển của lĩnh vực này cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn rủi ro đối với người học.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019