Đảm bảo nguyên tắc độc lập của kiểm toán nội bộ

Xã hội - Ngày đăng : 12:00, 15/09/2016

(BKTO) - Bộ Tài chính đang Dự thảo Nghị địnhvề kiểm toán nội bộ (KTNB) nhằm đề xuất quy định về tổ chức, hoạt động KTNBtrong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các DN. Đảm bảo nguyêntắc độc lập của KTNB là một trong những nội dung mà các đại biểu tập trung gópý tại buổi họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị định do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây.


Liệu có chồng chéo chức năng?

Dự thảoNghị định về kiểm toán nội bộ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và DN quy định 3 nhóm đối tượng bắt buộc phải KTNB, bao gồm: Các cơ quan nhà nước (Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố); đơn vị sự nghiệp công lập; DN (công ty niêm yết, DN có trên 50% vốn nhà nước…).

KTNB góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và quản trị, điều hành của đơn vị Ảnh: TS

Góp ý vào Dự thảo, đại diện một số Bộ, ngành cho rằng, nên điều chỉnh lại đối tượng bắt buộc KTNB. Theo đại diện Bộ Công Thương, Ban Soạn thảo cần rà soát Luật Kế toán và Luật Doanh nghiệp hiện hành để quy định đối tượng áp dụng KTNB cho phù hợp, trọng tâm là tập trung vào nhóm DN. Trong văn bản góp ý vào Dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương nêu quan điểm, việc áp dụng KTNB đối với các cơ quan nhà nước là rất phức tạp vì liên quan đến tổ chức, bộ máy, biên chế... Ngay cả đối tượng cần thiết phải KTNB như DN, thời gian qua, hoạt động KTNB vẫn mang tính hình thức, ít hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán các cơ quan nhà nước hiện do KTNN, các lực lượng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đảm nhiệm thường xuyên, nếu quy định không thận trọng dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, lãng phí không cần thiết, trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy.

Phân định rõ chức năng của từng loại hình kiểm toán, giữa KTNB với hoạt động thanh tra, đại diện KTNN cho rằng, việc tổ chức KTNB là cần thiết và không trùng lặp, chồng chéo với các tổ chức có chức năng thanh tra, kiểm toán khác. Vấn đề ở đây là quy định ra sao để tách bạch rõ các chức năng và phát huy hiệu quả của tổ chức. Từ đó, KTNN chỉ ra sự cần thiết phải có KTNB và đây là xu thế chung của thế giới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và quản trị, điều hành của đơn vị.

Nghị định về KTNB phải đảm bảo tính khả thi

Theo Dự thảo Nghị định, cơ quan nhà nước tổ chức bộ phận KTNB là một đơn vị trực thuộc hoặc là một bộ phận của đơn vị trực thuộc các cơ quan đó; các DN, tổ chức bộ phận KTNB trực thuộc Ban Kiểm soát hoặc Hội đồng Quản trị có thành viên Hội đồng Quản trị độc lập phụ trách.

Xác định tính độc lập là nguyên tắc cơ bản đầu tiên của KTNB, đại biểu đến từ Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đề nghị Ban Soạn thảo cần xem xét lại việc tổ chức KTNB ở DN trực thuộc Ban kiểm soát hay Hội đồng quản trị? Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc đặt bộ phận KTNB dưới sự điều hành trực tiếp của thủ trưởng đơn vị sẽ làm ảnh hưởng tới tính độc lập, khách quan, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của bộ phận này. Cùng chung quan điểm này, theo đại diện KTNN để đảm bảo và nâng cao tính độc lập của KTNB, bộ phận KTNB phải đảm bảo tách biệt và độc lập với các đơn vị, các bộ phận của đơn vị. Ban KTNB phải có địa vị thỏa đáng trong bộ máy tổ chức của đơn vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Công an cho rằng, việc thành lập KTNB là một đơn vị trực thuộc Bộ, ngành trong bối cảnh hiện nay là khó khăn. Vì vậy, nên đưa tổ chức và hoạt động KTNB là một bộ phận của đơn vị trực thuộc cơ quan (đối với các cơ quan Nhà nước) để đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm quy định KTNB…

Thông qua các ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư Pháp) cho biết, Ban Soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán để xây dựng Nghị định KTNB đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua.

NGUYỄN LỘC