Tăng cường kiểm toán trước khi thực hiện dự án đầu tư
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:10, 11/08/2016
(BKTO) - Trước thực trạng nhiều công trình, dự án đầu tư gây thất thoát, lãng phí, không đem lại hiệu quả, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách thì cần tăng cường kiểm toán trước các dự án để đánh giá từ tính đúng đắn trong chủ trương đầu tư, nhằm ngăn chặn kịp thời những thiệt hại, lãng phí nguồn lực.
Tăng cường kiểm toán nhằm phòng chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.Ảnh: THANH TÙNG
Nhiều sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư
Câu chuyện thất thoát, lãng phí trong đầu tư tiếp tục là chủ đề nóng tại diễn đàn kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV khi Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014 của KTNN nhấn mạnh rằng, trong đầu tư phát triển, các sai sót về chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị thời gian qua vẫn còn xảy ra tại nhiều dự án được kiểm toán trong năm 2015. Nổi lên là tình trạng một số dự án lập quy hoạch không phù hợp thực tế, tính khả thi và hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí; công tác khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phê duyệt dự án không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư giai đoạn 2013-2015; chất lượng khảo sát, thiết kế chưa đảm bảo, còn tính sai khối lượng, đơn giá, định mức. Cùng với đó, những tồn tại trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu chậm được khắc phục; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn sai sót, chậm so với tiến độ; hồ sơ quản lý chất lượng của nhiều dự án còn sai sót, không đầy đủ, sơ sài; chất lượng thi công một số hạng mục của một số dự án không đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng…
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, quản lý đầu tư còn có những hạn chế và tồn tại từ nhiều năm nay. Đó là tình trạng một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bố trí vốn. Một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn, dẫn đến các dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư còn diễn ra khá phổ biến ở các Bộ, ngành, địa phương, làm tăng tổng mức đầu tư lên rất lớn. Việc kiểm soát quy mô của dự án, định mức, đơn giá còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn so với thực tế và làm thất thoát, lãng phí, khó khăn cho việc bố trí vốn. Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư còn bất cập. Một số dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, sử dụng vốn vay còn dàn trải, một số dự án còn chậm tiến độ hoặc hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, chưa khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công.
Tăng cường kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán
Lo lắng, bức xúc trước thực trạng đầu tư gây thất thoát, lãng phí đã được đề cập nhiều song chưa có giải pháp hiệu quả, các đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trong việc kiểm tra, rà soát các công trình để chấn chỉnh lại quá trình đầu tư, đồng thời xác định rõ trách nhiệm pháp lý của quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư, làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể để xử lý thỏa đáng.
Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nhấn mạnh, mặc dù chưa có một cơ quan, tổ chức nào đưa ra được tỷ lệ và số liệu chính xác về thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản là bao nhiêu, 10 hay 20 hoặc 30%. Nhưng thất thoát, lãng phí là có thực và nó xảy ra ở tất cả các khâu, bắt đầu từ giai đoạn quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư đến khâu nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Theo đại biểu Hùng, để góp phần phòng, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, ngoài việc nhà nước hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư thì trước mắt cần làm mạnh hơn nữa việc phân tích để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến sai phạm trong từng khâu của quá trình thực hiện các dự án như: trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư, trách nhiệm của các nhà thầu xây lắp cung cấp thiết bị vật tư và trách nhiệm của nhà quản lý tư vấn. Qua đó, có thể đưa ra những ý kiến xử lý một cách triệt để và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, cần tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư để tập trung phân tích tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, sự phù hợp của hồ sơ thiết kế để có thể đưa ra được những kiến nghị xử lý phù hợp. Có như vậy mới có thể ngăn chặn kịp thời thiệt hại ngay trước khi quyết định đầu tư dự án thi công công trình, tránh lãng phí về nguồn lực. Song song đó, cần tăng cường công khai kết quả kiểm toán trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý, giúp các đơn vị nhận thức và quan tâm đến việc phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí về nguồn lực gây ra. Qua công khai kết quả kiểm toán cũng sẽ đưa ra ánh sáng các công trình bị thất thoát, lãng phí, tạo áp lực về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đồng thời tạo nên dư luận xã hội rộng rãi để công chúng cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị sử dụng NSNN.
Đại biểu Trần Xuân Hùng cũng đề nghị, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận kiến nghị của KTNN. Bởi theo đại biểu, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm trong thời gian qua chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị, Chính phủ cần có số liệu, đánh giá đầy đủ hơn về sự lãng phí trong đầu tư các công trình thời gian vừa qua. Theo đại biểu: “Nếu lãng phí là sản phẩm của cơ chế thì Chính phủ cũng nên đánh giá thực chất tình hình, đưa ra Quốc hội nghị bàn để tìm hướng đổi mới”.
Đ. KHOA