TP. Hà Nội tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới

Đối nội - Ngày đăng : 21:35, 21/09/2019

(BKTO) - Ngày 21/9, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


                
   

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (năm 2010 đạt 13 triệu đồng/người). Trong 10 năm qua, Thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, DN, hộ gia đình chung sức xây dựng NTM với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng. Đặc biệt là nhiều người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí hơn 7.200 tỷ đồng, trong đó có trên 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên.

Nông thôn tiếp tục có nhiều đổi thay, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, Thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM; hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đến nay, Thành phố đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, 325 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 84,2% số xã);…                
   

Thủ tướng trao “Bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới” cho huyện Gia Lâm, huyện Quốc Oai- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn thì vẫn còn một số huyện còn nhiều xã chưa đạt; tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện tương đối cao như: Ba Vì (3,18%); Mỹ Đức (2,84%); Chương Mỹ (2,48%). Nguồn lực cho xây dựng NTM chủ yếu từ nguồn NSNN. Mặt khác, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả TP. Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn của Hà Nội còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực…

Thủ tướng nhấn mạnh TP. Hà Nội không chỉ phát huy vị trí trung tâm, đầu tàu ở chức năng đô thị mà chính vùng nông thôn, ngoại ô cũng phải trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước. Hà Nội cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, dịch vụ, về chuỗi giá trị gia tăng, chế biến, đặc biệt tổ chức thương mại nội địa, xuất khẩu.                
   

Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Cờ Thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới của Thủ đô- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Trong quá trình xây dựng NTM, Thủ tướng lưu ý TP. Hà Nội phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Xử lý tốt hơn nữa rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới cùng với xử lý các loại chất thải rắn khác, nước thải sinh hoạt. Kiên quyết nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Tái sử dụng chất thải nông nghiệp bảo đảm đúng quy định về môi trường và an toàn thực phẩm, tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn. Hình thành các vành đai xanh sinh thái bao bọc vùng trung tâm Thủ đô.

Đặt vấn đề đào tạo nghề, Thủ tướng cho rằng cần chuyển bớt lao động nông nghiệp sang những nghề mới trong thời đại mới, “cái gì giữ gìn, phát huy truyền thống, cái gì chuyển sang nghề mới để giảm bớt tỷ lệ lao động nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động”.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT cùng với TP. Hà Nội xây dựng các mô hình cụ thể để triển khai trên địa bàn thành phố làm cơ sở nhân rộng sau khi tổng kết mô hình.

“Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”, Thủ tướng nói. Do đó, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội. Chính phủ tin tưởng rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước và tiếp tục vươn mình phát triển toàn diện mọi mặt, là hình mẫu của cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông thôn Hà Nội cũng phải phấn đấu trở thành hình mẫu, là niềm tự hào của Thủ đô nghìn năm văn hiến, là điểm tựa để Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội tiếp tục bay cao, bay xa, “một Thủ đô phát triển nhưng nhân văn, sâu đậm tình người như nhà thơ Vũ Cao đã viết: “Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/Bữa thì em tới, bữa anh sang”.

Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Phải tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn chặt với các lễ hội, nét đẹp văn hoá, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô; là sự đặc trưng vùng nông thôn đồng bằng châu thổ sông Hồng xét về mặt bản sắc. Xác lập vai trò, vị thế của người nông dân, chủ thể nông thôn. Người nông dân ấy, chủ thể ấy có kiến thức để tận dụng và phát huy tốt công nghệ, thành tựu của khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất và đời sống, có thu nhập cao, khá giả, tiến tới giàu có, không chỉ giàu về vật chất mà có đời sống tinh thần phong phú.

*Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng đã cắt băng khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm TP. Hà Nội. Hội chợ nằm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP. Hà Nội tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm với quy mô 170 gian hàng.
         
TP. Hà Nội dự kiến tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021- 2025 là 89.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn lồng ghép của thành phố là 25.000 tỷ đồng; ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp 20.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là 30.000 tỷ đồng, cấp xã 2.000 tỷ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách là 12.000 tỷ đồng.

LÊ HÒA (tổng hợp)