Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy
Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 23/06/2016
(BKTO) - Hàng loạt vụ cháy nổ xảy ratrong thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Mộtphần nguyên nhân đến từ việc các vụ cháy nổ không được ứng phó kịp thời; lực lượng phòng cháy,chữa cháy (PCCC) còn thiếu và yếu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện và hạ tầngbảo đảm cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều bất cập. Đẩy mạnh xã hộihóa công tác PCCC đang là giải pháp được kỳ vọng để nâng cao hiệu quả công tácPCCC trong thời gian tới.
Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư đang được xem là biện pháp khắc phục nhiều hạn chế trong công tác PCCC hiện nay. Ảnh: TK
Báo cáo được trình bày tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho thấy, trong bối cảnh số cơ sở nguy hiểm cháy nổ tăng trung bình hơn 15%/năm, tình hình cháy nổ đã được kiềm chế thấp nhất cả về số vụ và thiệt hại. Lực lượng PCCC đã chữa cháy kịp thời, có hiệu quả 6.416 vụ; cứu nạn, cứu hộ 2.466 vụ, giải cứu 1.625 người, bảo vệ khối tài sản, hàng hóa hàng chục nghìn tỷ đồng; hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng chục nghìn người trong các đám cháy.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công an lại chỉ ra: Tình hình cháy nổ trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, do tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp... Cụ thể, trong 05 năm qua cả nước xảy ra gần 12 nghìn vụ cháy, nổ, làm chết hơn 300 người, bị thương 900 người, thiệt hại về tài sản 6,9 nghìn tỷ đồng và gần 8,5 nghìn ha rừng. Đặc biệt, đã xảy ra các vụ cháy ở nhiều khu chung cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và người. Thực tế cho thấy, số vụ cháy lớn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các vụ cháy nhưng thiệt hại rất nặng nề, chiếm trên 95% tổng số thiệt hại về tài sản; Hà Nội, TP. HCM là hai địa phương đứng đầu cả nước về số vụ cháy nổ. Đặc biệt, với sự hiện diện của hàng loạt các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, các thành phố lớn luôn được đặt trong tình trạng cảnh báo cao về nguy cơ cháy nổ cũng như tính chất nghiêm trọng của sự việc.
Trong 5 năm qua, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về PCCC đã được tăng cường, qua đó phát hiện và xử phạt hành chính trên 70 nghìn trường hợp vi phạm với số tiền gần 135 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với thực tế vi phạm, kết quả xử lý trên như “ném đá ao bèo” và chưa thực sự tạo được chuyển biến mạnh trong nhận thức, ý thức của người dân, DN về PCCC.
Xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là việc PCCC trong các khu dân cư. Tỷ trọng ngân sách địa phương đầu tư cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tăng từ 27,1% (giai đoạn 2010-2012) lên 41,7% (giai đoạn 2013-2015), mức đầu tư dù đã được cải thiện, song vẫn chưa đủ để tạo sự đổi mới, bứt phá cho công tác PCCC. Lực lượng PCCC còn thiếu và yếu, đầu tư trang thiết bị, phương tiện và cơ sở hạ tầng bảo đảm cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều bất cập dẫn đến thực trạng nhiều vụ cháy nổ, thiên tai chưa được ứng phó kịp thời… Do đó, để khắc phục những hạn chế trên, nhiều đại biểu tại Hội nghị đề xuất cần sớm thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực trong công tác PCCC, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào công tác PCCC...
Là đô thị lớn nhất cả nước với tốc độ đô thị hóa nhanh, nguy cơ cháy nổ cao, UBND TP. HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế đặc thù về thu, chi ngân sách để có nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, trích lại nguồn thu bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc... để hỗ trợ trong đầu tư, trang bị cơ sở vật chất; có chế độ bồi dưỡng, bảo hiểm, phụ cấp tương xứng với lực lượng tham gia PCCC. Cùng với đó, TP.HCM cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa PCCC nhằm giảm áp lực cho ngân sách khi đầu tư vào lĩnh vực PCCC.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Để hạn chế tình trạng cháy nổ, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ các cơ sở vi phạm hoạt động nếu không bảo đảm an toàn PCCC. Các Bộ, ngành, địa phương hằng năm cân đối ngân sách để bố trí kinh phí đầu tư cho công tác này.
Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng PCCC. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương, đơn vị phải thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ bằng việc thu hút nhiều nguồn đầu tư phương tiện, thiết bị PCCC; khuyến khích và có hình thức hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư trang thiết bị PCCC hiện đại; nhân rộng mô hình xã hội hóa công tác PCCC để từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc phòng chống nguy cơ cháy, nổ.
NGUYỄN LỘC