Doanh nghiệp cần thích ứng tốt hơn với hệ thống quản lý thuế nghiêm ngặt

Đối nội - Ngày đăng : 11:05, 23/09/2019

(BKTO) - Trong bối cảnh xung đột thương mại trên thế giới đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp như hiện nay, hầu hết các quốc gia đã sử dụng hàng rào thuế quan để tái lập thương mại công bằng, tạo ra áp lực khiến các DN phải sắp xếp lại chuỗi giá trị, chuỗi cung toàn cầu. Điều này cũng đòi hỏi DN có sự thích ứng tốt hơn với hệ thống quản lý thuế nghiêm ngặt và chủ động quản trị rủi ro trong môi trường số hóa.



DN cần thích ứng tốt hơn với hệ thống quản lý thuế nghiêm ngặt. Ảnh: TTXVN

Nhiều quy định mớivề quản lý thuế trên nền tảng internet

Quản lý rủi ro về thuế được hiểu là quá trình nhận diện, đánh giá, phân tích trên cơ sở thu thập các thông tin, hệ thống tiêu thức và phương pháp đánh giá rủi ro để phân loại, xác định các nhóm người nộp thuế có mức độ rủi ro cao về thuế, từ đó lập kế hoạch xử lý, trọng tâm là áp dụng các biện pháp về tuyên truyền hỗ trợ, thanh tra và quản lý nợ thuế với mục tiêu tăng cường tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
Kể từ năm 2015, khi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD đưa ra các khuyến nghị chính sách tại Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), đã có trên 100 quốc gia tham gia Chương trình này và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Các thành viên phải nội luật hoá quy định pháp luật của mình, phù hợp với mục tiêu của Chương trình. Trên cơ sở đó, thời gian gần đây, chính sách thuế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi nổi bật nhằm mục đích hướng tới việc giảm chi phí tuân thủ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ DN tuân thủ quy định về thuế.

Gần đây nhất, ngày 09/6/2019, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng T.Ư của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tìm ra một hệ thống toàn cầu nhằm đánh thuế các hãng internet khổng lồ.

Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 đã đưa ra nhiều quy định mới liên quan tới việc thực hiện và quản lý thuế trên nền tảng internet (e-tax). Cụ thể: Luật đã đưa ra quy định về hóa đơn điện tử, yêu cầu người bán hàng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua. Trong trường hợp người bán sử dụng máy tính tiền, người bán đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng lần đầu đưa ra các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú nhưng có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm trong việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Bên cạnh xu hướng sửa đổi chính sách thuế và cải cách quản lý thuế, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong ngành thuế cũng ngày một hiệu quả hơn. Nhiệm vụ trọng tâm mà thanh tra ngành thuế sẽ thực hiện trong thời gian tới là thanh tra các DN có khả năng có số thu điều tiết ngân sách T.Ư lớn, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, chú trọng thanh tra các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá…

DN Việt cần đầu tư nguồn lực để tránh các rủi ro về thuế

Tại Hội thảo “Thích ứng tốt hơn với hệ thống quản lý thuế nghiêm ngặt được thúc đẩy bởi số hóa”, bà Hương Vũ - Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam - đánh giá: Công tác thanh tra chắc chắn sẽ hiệu quả hơn dưới sự hỗ trợ của phương thức điện tử. Với công tác quản lý thuế ngày càng hiệu quả, yêu cầu tuân thủ đối với các DN cũng ngày càng trở nên thiết yếu, nhằm tránh hậu quả phạt thuế, truy thu thuế.
Thực tế, nguyên lý cũng như các tiêu chuẩn quản lý rủi ro về thuế là thống nhất và được rất nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội, đặc trưng của hệ thống thuế mà mỗi nước có những cách thực hiện khác nhau.

Tại Australia, để quản lý tốt các DN siêu nhỏ (doanh thu dưới 2 triệu AUD/năm) cơ quan thuế đã chỉ ra 4 trụ cột để xác định rủi ro tuân thủ là: không kê khai, kê khai không đúng hạn, không nộp thuế, không đăng ký thuế; đồng thời, phân tích và xác định các nguyên nhân chính dẫn đến việc không tuân thủ trong từng phân đoạn. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế Australia xây dựng chiến lược giải quyết các nguyên nhân gây nên tình trạng không tuân thủ; phân bổ nguồn lực thực hiện; theo dõi, báo cáo, đánh giá và lặp lại các bước này hằng năm.

Tại Anh, mỗi năm cơ quan thuế tiếp nhận khoảng 2,5 triệu tờ khai thuế giá trị gia tăng, trong đó số thuế đề nghị hoàn khoảng 40 tỷ Bảng. Do số lượng người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lớn, cơ quan thuế Anh đã xây dựng ứng dụng tự động phân tích và phân loại hồ sơ hoàn thuế theo 4 nhóm: rủi ro thấp, rủi ro vừa, rủi ro cao và rủi ro đặc biệt. Ứng dụng này phân tích hồ sơ hồ hoàn thuế theo 18 tiêu chí khác nhau và dựa trên 84 tham số đã được mã hoá.

Thái Lan cũng là nước châu Á sớm áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Ngay từ những năm 2001, cơ quan thuế Thái Lan đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro tuân thủ thông qua việc triển khai xây dựng trung tâm giám sát, thanh tra. Cơ quan thuế Thái Lan còn xây bộ tiêu chí đánh giá rủi ro của DN theo các sắc thuế gồm 145 tiêu chí. Bên cạnh đó, Thái Lan rất chú trọng thông tin phục vụ việc đánh giá rủi ro được tổng hợp trên cơ sở dữ liệu hồ sơ về người nộp thuế từ các trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu về đầu tư, hải quan, điện lực, ngân hàng thương mại…

Chuyên gia của EY Việt Nam cho rằng: các DN Việt Nam đang kinh doanh trong một môi trường thuế chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động từ chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị, biến động của nền kinh tế thế giới đến những phát triển chóng mặt về công nghệ. Bên cạnh đó, các quy định, hướng dẫn mới liên quan tới nghĩa vụ thuế của DN được ban hành thời gian qua đã và đang có tác động lớn đến nhiều mặt hoạt động của DN tại Việt Nam. Để đáp ứng và tuân thủ những quy định mới này, DN Việt cần đầu tư các nguồn lực một cách thích đáng để tránh các rủi ro về thuế.
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019