Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo

Xã hội - Ngày đăng : 16:20, 23/09/2019

(BKTO) - Theo Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 của Chính phủ, người dân tại các huyện nghèo được tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tham gia XKLĐ. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện số lao động các huyện nghèo đi XKLĐ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.



Nâng cao chất lượng nguồn lao động. Ảnh: TTXVN

Lao động huyện nghèovẫn ngại thay đổi

Nhằm khuyến khích người dân 62 huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) để vươn lên thoát nghèo bền vững, ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020”. Quyết định này nhằm mục tiêu đưa thí điểm 5.000 lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2009-2010 và 50.000 người trong giai đoạn 2011-2015 cùng nhiều chính sách ưu đãi về cho vay vốn lãi suất thấp, miễn phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo đi XKLĐ.

Sau 10 năm thực hiện, theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay đã có hơn 10.000 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (chưa bằng 1/10 số lao động tham gia XKLĐ của cả nước trong năm 2019), trong đó, lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Nhìn chung, người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, việc đưa lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng lao động đưa đi đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Đơn cử như tại tỉnh Hà Giang, địa phương có nhiều huyện nằm trong danh sách huyện nghèo của cả nước, công tác đưa người lao động tại huyện nghèo đi XKLĐ đang gặp nhiều khó khăn. Việc vận động người dân đi XKLĐ vẫn gặp khó do người dân chưa từ bỏ được tập quán bám bản, làm nương rẫy.

Theo đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước, đa phần lao động tham gia XKLĐ là dân tộc ít người nên trình độ còn hạn chế. Họ không quen với việc làm ăn xa nên nhiều trường hợp sang đến nước ngoài một thời gian đã bỏ về. Bên cạnh đó, nhiều lao động thiếu ý thức kỷ luật, vi phạm nội quy lao động nên bị trả về…

Đưa người dân đến gần hơn với chính sách hỗ trợ

Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả công tác đưa lao động huyện nghèo đi XKLĐ, trong đó chú trọng việc đào tạo nghề và ngoại ngữ cho người lao động; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng những hành động cụ thể, định hướng và giúp họ khi trở về nước sớm trả nợ vốn đã vay; đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách lĩnh vực lao động về nghiệp vụ công tác XKLĐ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lao động.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ rà soát lại chính sách liên quan cũng như tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động để người lao động có thể tiếp cận được những thị trường có thu nhập cao. Các địa phương cần chủ động trong việc nắm bắt tình hình thực tế để liên hệ với các DN có thẩm quyền đưa đối tượng tham gia XKLĐ cho phù hợp với các thị trường tiếp nhận lao động, tránh tình trạng lệ thuộc vào T.Ư.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020. Theo đó, lao động tại huyện nghèo khi tham gia XKLĐ được vay tối đa bằng 100% chi phí phải đóng cho DN XKLĐ. Đáng chú ý, người dân được vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; lãi suất vay với hộ nghèo tại huyện nghèo chỉ bằng 50% lãi suất dành cho hộ nghèo theo chuẩn chung...

Với các chính sách hỗ trợ ngày càng thiết thực trong lĩnh vực XKLĐ đến từ phía Nhà nước, người dân tại các huyện nghèo đang có thêm những cơ hội mới để thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để các chính sách đi vào cuộc sống đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cần linh hoạt vận dụng, áp dụng đúng đối tượng, từ đó đảm bảo cao nhất hiệu quả của chính sách.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019