Nhiều nguy cơ tiềm ẩn trên hệ thống đường bộ cao tốc
Xã hội - Ngày đăng : 09:10, 23/06/2016
(BKTO) - Các chuyên gia cho rằng,trong tương lai, để nâng cao hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc, cần nghiên cứuban hành hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhànước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên đường cao tốc,phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành và các cấp trongxây dựng, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và thực hiện chức năng quản lý nhà nước vềđường cao tốc.
Tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa hoàn chỉnh kết nối với Quốc lộ 1A gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển vào đường cao tốc. Ảnh: TK
Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), cả nước hiện có 745km đường bộ cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần kết nối các khu vực nghèo, vùng sâu, vùng xa với các trung tâm kinh tế. Với tuyến đường cao tốc ước tính giảm tải áp lực giao thông, tiết kiệm chi phí từ 15% đến 30% mỗi năm giảm từ 1 đến 2 giờ khi lưu thông trên các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, giảm từ 3,5 giờ đến 7 giờ khi lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các địa phương có đường cao tốc đi qua tăng vượt trội; việc thu hút đầu tư nước ngoài của các địa phương cũng tăng trưởng nhanh.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại trên hệ thống đường cao tốc hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATGT cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của DN, người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh chỉ rõ, nhiều tuyến đường chưa đảm bảo tiêu chuẩn vẫn đưa vào khai thác; việc thu phí quá cao khiến cho các DN giảm sức cạnh tranh. Hơn nữa, mục đích của việc đầu tư đường cao tốc là chống ùn tắc, tăng năng suất vận tải, thì lại có tình trạng xe container đi vào đường tỉnh lộ để “né” trạm BOT vì phí quá cao.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Văn Nhi cũng thừa nhận, trên các tuyến đường cao tốc do VEC đang triển khai tổ chức khai thác vẫn còn tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc. Bên cạnh đó, còn có tình trạng người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá dỡ hàng rào, ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường; chăn thả gia súc gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Mặt khác, sau hơn 4 năm đi vào khai thác, hệ thống biển báo trên các tuyến đường cao tốc hiện cũng không đồng bộ, quy định hệ thống biển báo thay đổi. Tại một số vị trí đường nhánh, nút giao chưa bố trí đầy đủ hệ thống thiết bị ATGT, biển báo hướng dẫn, gây khó khăn cho đơn vị quản lý, khai thác vì đã đầu tư giá trị lớn cho hệ thống biển báo để bảo đảm ATGT trên đường cao tốc. VEC cũng khẳng định, hiện tại các tuyến đường cao tốc, sau khi xây dựng xong đưa vào khai thác, chưa phát huy hết tính ưu việt do hệ thống đường kết nối với đường cao tốc chưa hoàn chỉnh (như tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa hoàn chỉnh kết nối với Quốc lộ 1A) gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển vào đường cao tốc.
Không công nhận đường cao tốc nếu chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn
Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị, năm 2016 phải đặt ra mục tiêu chấm dứt những bất cập đang tồn tại hiện nay trên các tuyến đường cao tốc, đặc biệt là tình trạng dân phá hàng rào tràn lan. Ông Thanh cho rằng, đã có đường cao tốc thì phải duy tu bảo trì được đường cũ để người dân có quyền lựa chọn. Ngoài ra, cần sớm triển khai thu phí không dừng đối với tất cả các tuyến đường, như vậy mới công khai, minh bạch và nếu đường cao tốc mà vẫn bị ùn tắc thì không nên thu phí.
Cùng quan điểm, ông Vũ Quang Thái - Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, cao tốc (Cục Cảnh sát giao thông) đề nghị, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu cho Bộ GTVT kiểm tra rà soát các quy định về tiêu chuẩn đường cao tốc hiện nay, kiên quyết không công nhận các tuyến đường cao tốc khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, sớm hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng thống nhất đồng bộ hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trên các tuyến đường cao tốc bằng hệ thống camera tự động, có cơ chế xử phạt tại chỗ cũng như “phạt nguội” nghiêm khắc nhằm tăng tính răn đe, giáo dục tuyên truyền ý thức của người tham gia giao thông.
Trước những đề xuất trên, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy tắc giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, đặc biệt là vấn đề định mức, tiêu chuẩn, bảo trì. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, các cơ quan chức năng sẽ sớm hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trên các tuyến đường cao tốc bằng camera tự động. Phấn đấu đến năm 2017 sẽ có tài khoản cho các xe tải để có thể xử lý theo hình thức “phạt nguội”. Đồng thời, các trạm thu phí không dừng cũng đang được đẩy mạnh để đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn trên các tuyến cao tốc.
LÊ HÒA