Kinh tế Việt Nam 2016: Vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức
Đối nội - Ngày đăng : 10:20, 17/03/2016
(BKTO) - Ngày 14/3, Uỷ ban Giám sát tàichính Quốc gia (NFSC) đã công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015.Báo cáo cho thấy, bên cạnh những thành tựu nổi bật, kinh tế Việt Namvẫn còn nhiều hạn chế và tiềm ẩn những thách thức.
Theo NFSC, cân đối ngân sách ngày càng khó khăn trong điều kiện trần nợ công gân như chạm ngưỡng cho phép.Ảnh:TK
Tăng trưởng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững
Báo cáo của NFSC chỉ rõ: Năm 2015, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và những diễn biến khó lường, Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu kép là kiểm soát lạm phát ở mức 0,63%, tăng trưởng GDP ở mức 6,68%. “Tăng trưởng đạt được là nhờ cải cách thể chế; xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đều gia tăng; cán cân thanh toán được cải thiện” - Phó Chủ tịch NFSC Trương Văn Phước phân tích.
Cùng với đà tăng trưởng, chương trình tái cơ cấu đã tạo được những nền móng ban đầu đáng khích lệ sau 4 năm thực hiện. Nền tảng thị trường tài chính được củng cố thêm, minh chứng là tổng tài sản khu vực ngân hàng tăng 12,4% so với năm 2014, cơ cấu tài sản nợ bền vững hơn, huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014, tín dụng tăng nhanh và đều trong năm, thanh khoản được đảm bảo với tỷ lệ tín dụng/huy động vốn là 85,7%, kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng khởi sắc hơn. Cùng với đó, huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK) tăng 13% so với năm 2014; TTCK chiếm 35% cung ứng vốn của thị trường tài chính, tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước và là điểm sáng so với các TTCK khu vực.
Tuy nhiên, theo NFSC, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa thực sự bền vững, mức tăng trưởng đã cao hơn nhưng gia tốc tăng trưởng có phần chậm lại. Cân đối ngân sách ngày càng khó khăn trong điều kiện trần nợ công gần như chạm ngưỡng cho phép (65%). Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bội chi ngân sách còn cao, dư địa dành cho đầu tư chophát triển còn hạn hẹp. Hội nhập kinh tế sâu rộng nhưng hội nhập tài chính còn hạn chế. Thị trường tài chính còn đơn điệu, phụ thuộc nhiều vào thị trường tiền tệ.
Từ thực tế trên, NFSC đã đưa ra thông điệp quan trọng: Năm 2016 và một số năm tiếp theo, nếu Việt Nam không đẩy nhanh tiến trình cải cách, tạo chuyển biến mạnh trong 3 khâu đột phá, kiến tạo thị trường tài chính lành mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng… thì khó thực hiện 3 mục tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế, đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đẩy mạnh cải cách kinh tế.
Kinh tế Việt Nam 2016 và những câu hỏi ngỏ
Thông điệp mà NFSC đã rõ: Để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Theo TS. Trương Văn Phước, một trong những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam chính là nội lực của nền kinh tế còn yếu và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, nhất là khối DN FDI. Bên cạnh đó, thị trường tài chính năm 2016 cũng cần được quan tâm và tiếp tục giải quyết một số vấn đề như: nguy cơ nợ xấu tái phát sinh, xử lý nhanh khối nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) mua về để không gây áp lực tài chính đối với các TCTD, tín dụng trung và dài hạn bất động sản tăng cao, hệ thống ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, quy mô lãi dự thu lớn.
Đánh giá cao báo cáo của NFSC song PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), lưu ý: Cần phải nhìn nhận một cách chính xác, khách quan những sắc màu tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam để không gây ra những ảo tưởng chính sách. Năm qua, Việt Nam thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ, đó là: phục hồi, tăng trưởng để ổn định vĩ mô; tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiệm vụ hội nhập đã hoàn thành tốt về mặt đàm phán nhưng 2 nhóm nhiệm vụ kia vẫn cần phải xem lại. Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, nhiều vấn đề khác của nền kinh tế cần được lưu tâm trong thời gian tới. Chẳng hạn, khi gia nhập Cộng độngkinh tế ASEAN (AEC), việc các nước thuộc khối phá giá đồng tiền nước mình mạnh hơn Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế đất nước như thế nào? Hoặc, NSNN được dự báo là tiếp tục khó khăn; vậy điều này sẽ tác động đến thị trường tài chính ra sao?
Thị trường tài chính đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Bởi vậy, tương lai của thị trường này là vấn đề các chuyên gia quan tâm và trăn trở. Chủ tịch NFSC Vũ Viết Ngoạn nhận định: So với các nền kinh tế khu vực, độ sâu tài chính của Việt Nam còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tốc độ và nhu cầu phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Cân đối đủ nguồn vốn cho nền kinh tế đã khó nhưng phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả để đảm bảo tăng trưởng bền vững còn khó khăn hơn.
Nêu lên thực tế áp lực thanh khoản đang lớn dần và dự báo lãi suất sẽ tăng khoảng 1-2% so với mặt bằng 2015, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy bày tỏ quan ngại: Liệu DN vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh một cách bình thường và tốt như năm 2015? Mặt khác, nhà kinh doanh không bao giờ “dại dột” bỏ qua lãi suất rẻ để tìm đến với lãi suất đắt nhưng tại sao lại có hiện tượng ngân hàng Việt Nam đi vay ngoại tệ của ngân hàng ngoại trong khi lãi suất tiền gửi USD bằng 0?
Liên tiếp những câu hỏi được các chuyên gia kinh tế đặt ra và điều này dự báo con đường đưa đất nước phát triển bền vững vẫn chưa hết những chông gai.
NGỌC MAI