Đại hội INTOSAI 23: Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham dự 02 Phiên thảo luận chủ đề chính
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 20:30, 26/09/2019
(BKTO) - Trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao lần thứ 23, ngày 26/09, tại thủ đô Matxcơva, Liên bang Nga, 02 phiên thảo luận về các chủ đề “Công nghệ thông tin đối với sự phát triển hành chính công” và “Vai trò của các SAI trong việc đạt được mục tiêu và ưu tiên quốc gia” đã diễn ra. Đoàn đại biểu Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nguyễn Quang Thành dẫn đầu đã tham dự các phiên thảo luận.
Quang cảnh Đại hội INTOSAI
Phiên thảo luận đã thu hút sự quan tâm của đại diện đến từ hơn 190 SAI thành viên của Tổ chức INTOSAI, Tổ chức sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI), Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế.
Chủ đề thứ nhất “Công nghệ thông tin đối với sự phát triển hành chính công” được đồng chủ trì bởi SAI Trung Quốc và Canada, tập trung vào 02 vấn đề chính: Ứng dụng dữ liệu trong hành chính công và vai trò của công cụ phân tích dữ liệu lớn trong hoạt động của SAI. Tại Phiên họp, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ về kinh nghiệm đến từ các SAI Canada, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Các bài tham luận tập trung vào về quá trình ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu trong vận hành hệ thống và hoạt động kiểm toán chuyên môn của SAI. Đồng thời, chỉ ra định hướng và các thách thức trong tương lai khi ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán.
Đối với chủ đề “Vai trò của các SAI trong việc đạt được mục tiêu và ưu tiên quốc gia” được đồng chủ trì bởi SAI Liên bang Nga và Italy, tập trung vào 02 vấn đề chính: Kiểm toán chiến lược: đánh giá mục tiêu, tầm ảnh hưởng và rủi ro liên quan của các chương trình và chính sách của Chính phủ; Dự báo và phân tích của SAI: khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội trong phát triển bền vững. Các diễn giả là các đại diện đến từ SAI Phần Lan, Pháp và Hoa Kỳ chia sẻ về vấn đề nâng cao năng lực giúp SAI có thể bắt kịp với sự linh hoạt và phức tạp trong các chính sách và chiến lược của chính phủ; kinh nghiệm và thách thức đặt ra khi áp dụng cách tiếp cận toàn chính phủ (the whole government approach) vào kiểm toán.
Các Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội
Tham luận nhấn mạnh, hoạt động kiểm toán trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các mục tiêu quốc gia, đảm bảo nền tài chính công minh bạch và hiệu quả, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là góp phần vào việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao trên 6%/năm đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong thời gian qua.
Kết quả kiểm toán đã xác nhận được tính trung thực, hợp lý trong chi tiêu ngân sách; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả trong quản lý tài chính của các Chương trình phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của Quốc gia, đặc biệt là đánh giá hiệu lực thực hiện các mục tiêu đề ra, kết quả đạt được cũng như tồn tại, bất cập trong thực hiện của các chương trình kinh tế, xã hội trọng điểm quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và về sinh môi trường; Chương trình phát triển đô thị quốc gia; Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội các vùng…
Từ kết quả kiểm toán, KTNN Việt Nam đã kiến nghị và cung cấp nhiều thông tin cho Chính phủ, Quốc hội để ban hành cơ chế, chính sách, đề ra các giải pháp quản lý kịp thời nhằm nâng cáo hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô về phát triển kinh tế, an sinh xã hội của đất nước.
Kết quả kiểm toán cũng đã đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, quản lý ngân sách, nợ công…; việc thực hiện các chính sách đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư- PPP (BT, BOT, BTO…); qua đó phát hiện kịp thời các vấn đề bất cập, lỗ hỏng về cơ chế để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, góp phần đảm bảo môi trường phát lý minh bạch cho sự phát triển bền vững, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau.
Đặc biệt, kết quả kiểm toán đã ngăn chặn kịp thời các sai phạm và gian lận trong quản lý tài chính công, tài sản công, giữ gìn kỷ cương tài chính, đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án có quy mô lớn tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường của quốc gia và khu vực.
ĐỨC HIẾU- PHAN HIỀN