Chương trình Thương hiệu Quốc gia: Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:20, 17/03/2016

(BKTO) - Thay vì chỉ tập trung hỗ trợ phát triển, xây dựng Thương hiệu Quốc giacho các doanh nghiệp (DN) lớn, một bước tiến mới về tư duy trong tổ chức vàthực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) từ năm 2016 trở đi là dànhcơ hội cho cả các DN nhỏ và vừa. Điều này đã được thể hiện qua Diễn đàn Thươnghiệu Việt Namlần thứ 9 với chủ đề “Chương trình THQG - Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ vàvừa” vừa được tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.



Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè (TPHCM) là một trong 63 DN được công nhận Thương hiệu Quốc gia. Ảnh: TTXVN

Tạo động lực cho DN vươn ra thế giới

Khẳng định “sân chơi” này đã thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho DN vươn ra thế giới, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, từ khi nhận được danh hiệu, nhận thức của các DN không ngừng được nâng cao. Niềm tự hào mà Chương trình mới chỉ dành cho 30 DN vào năm 2008 đã được nhân lên khi có tới 63 DN được công nhận THQG năm 2014.

Một con số ấn tượng đã được chia sẻ: tổng doanh thu năm 2014 của các DN này đạt gần 180 ngàn tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2012. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 80 ngàn tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2012, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Công tác xã hội và từ thiện cũng đã được các DN tích cực thực hiện, đóng góp hơn 200 tỷ đồng trong năm 2014.

Điểm đáng lưu ý hơn, “sân chơi” này còn là nơi kết nối cả cộng đồng DN Việt Nam cùng phát triển. Khác với trước đây, một số DN tham gia Chương trình một cách thụ động thì nay, họ đã chủ động tham gia và không ngừng chứng tỏ nỗ lực cải thiện vị trí trên chính “sân chơi” này.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, năm 2016 là kỳ xét chọn lần thứ 5 của Chương trình THQG và các DN có thể liên hệ Ban Thư ký đăng ký. Chương trình THQG không phải là một giải thưởng, mà là một Chương trình dài hơi, theo đó khi tham gia, các DN sẽ được đồng hành, hỗ trợ trong nhiều hoạt động quảng bá và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, THQG vẫn là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ trì triển khai Chương trình THQG, tập trung các hoạt động quảng bá, tạo dựng uy tín cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam tiêu biểu. Qua đó tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam, đồng thời hỗ trợ đưa hàng hóa, dịch vụ của các DN vươn tới các thị trường nước ngoài thông qua nhiều sự kiện hội chợ, triển lãm.

Bình đẳng cơ hội tiếp cận Chương trình THQG

Tuy nhiên, những thông tin chia sẻ tại Diễn đàn của các chuyên gia quốc tế đã thực sự khiến cho các nhà quản lý, đại diện DN phải bận tâm. Theo ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng châu Á Thái Bình Dương - Công ty Brand Finance, giá trị THQG Việt Nam năm 2015 được Brand Finance định giá là 140 tỷ USD. Như vậy, so với năm 2014 được định giá là 172 tỷ USD, thì năm 2015 giá trị thương hiệu Việt Nam đã giảm 19%. Còn nếu nhìn vào bảng xếp hạng so với các nước trong ASEAN, thì vị trí thương hiệu Việt Nam đang thua nhiều nước như Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ cao hơn Campuchia. Chưa hết, khoảng cách giá trị THQG Việt Nam cũng thua xa nhiều nước đang dẫn đầu trong ASEAN.

Còn ông Thierry Noyelle, Cố vấn cao cấp Chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Viettrade và Ủy ban Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) đã chia sẻ kết quả khảo sát 63 trang web của 63 công ty tham gia Chương trình THQG Việt Nam. Kết quả là, tuy đều có cả thông tin tiếng Anh nhưng nội dung được đăng tải rất nghèo nàn. Trong số 63 DN đạt THQG, chỉ có 10 DN đưa logo THQG lên trang web, điều này chứng tỏ “Vietnam Value” chưa phải là logo được biết đến rộng rãi. Ông Thierry Noyelle cũng chỉ ra điểm hạn chế là Chương trình THQG Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các DN lớn, cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN nhỏ và vừa để đẩy mạnh xuất khẩu, bán hàng được với giá tốt hơn, số lượng nhiều hơn.

Lý giải vì sao DN nhỏ và vừa lại có cơ hội vươn tới danh hiệu THQG (Vietnam Value), ông Đỗ Thắng Hải - một người dày dạn kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, các DN nhỏ và vừa đang chiếm đến 90% trong tổng số DN Việt Nam. Đây là nguồn lực dồi dào tiếp nhận các THQG trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu đang là chủ đề nóng bỏng và cấp thiết với các DN Việt Nam. DN chính là lực lượng đi đầu trong xây dựng thương hiệu, nhiều thương hiệu DN uy tín sẽ góp phần xây dựng nên THQG. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp cần thiết, xây dựng, quảng bá thương hiệu thì các DN sẽ không tận dụng được cơ hội. Hơn nữa, các DN và nhà quản lý, chuyên gia phải phát huy trí tuệ tập thể, chung sức đồng lòng thúc đẩy lộ trình xây dựng và phát triển THQG Việt Nam, hòa nhịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ những thông tin trao đổi tại Diễn đàn cũng như chủ đề chính của Diễn đàn lần này, cộng đồng DN Việt Nam, với 90% là DN nhỏ và vừa, đang tiến dần tới mục tiêu được góp sức cùng phát triển THQG qua những cơ hội mà Chương trình THQG mở đồng đều cho cả các DN thuộc mọi quy mô.

QUỲNH ANH