Xác định 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm tại Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 10:47, 02/10/2019
(BKTO) - Ngày 1/10, tại cuộc Giao ban Báo chí thường kỳ của Thành uỷ Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã thông tin về thực trạng ô nhiễm không khí của Thành phố. Qua xác định ban đầu, cơ quan chức năng thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, đồng thời khuyến cáo người già, trẻ em hạn chế ra đường và dự kiến sau ngày 3/10 tình trạng sẽ được cải thiện.
Hà Nội trong nhiều ngày qua đã liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới). TP. HCM cũng đứng trong top 10 này.
Theo dữ liệu từ IQAir AirVisual- Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới, trong buổi sáng 1/10, Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất với chỉ số AQI là 320- Ảnh: Internet |
Ông Vũ Đăng Định- Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội và một số khu vực miền Bắc, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao, tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và các điểm chuyển mùa.
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 13/9, chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều thời điểm trong ngày kém, nhất là ô nhiễm bụi mịn 2.5, ảnh hưởng sức khoẻ con người, đặc biệt nhóm nhạy cảm, bao gồm trẻ em, người già, người có bệnh lý về đường hô hấp. Ông Định khuyến cáo, nếu như ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn.
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam thời gian gần đây chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5- loại bụi được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM¬ 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét). Với kích thước cực nhỏ này, khi hít vào, chúng sẽ thẩm thấu thẳng vào mạch máu và đi đến các cơ quan nội tạng quan trọng.Tiếp xúc trực tiếp với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch và thần kinh nghiêm trọng. |
Xác định bước đầu, cơ quan chức năng của thành phố đã thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, gồm: Khí xả thải ô tô, xe máy; Tình trạng đun bếp than tổ ong, bếp củi; Thực trạng phá dỡ các công trình xây dựng và xây dựng các công trình không đúng quy trình; Vận chuyển vật liệu xây dựng; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức báo động- Ảnh: haiquanonline.com.vn |
Hoạt động đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí- Ảnh: tapchitaichinh.vn |
Phân tích một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ông Mai Trọng Thái cho biết, theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện còn 35.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày sử dụng 528 tấn than, gây phát thải 1870 tấn khí CO2. Ngoài ra, việc người dân đốt rơm rạ, các công trình đang xây dựng hay phá dỡ cũng ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, lượng phát thải từ các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Theo thống kê, tính đến quý I/2019, trên địa bàn Hà Nội có trên 700 nghìn ô tô, trên 5 triệu xe cá nhân. Lượng phát thải từ số lượng lớn các phương tiện này đang gây ô nhiễm không khí thủ đô.
Theo ông Thái, dự kiến đến ngày 3/10, thời tiết sẽ có mưa, từ đó chất lượng không khí sẽ được cải thiện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí gây nên 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lưu ý lựa chọn loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi mịn, tránh hoạt động mạnh ở ngoài trời, thay đổi thói quen sinh hoạt như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế dùng bếp than, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng cũng như áp dụng các biện pháp để giảm thiểu phát thải vào môi trường không khí. |
THÙY CHI (tổng hợp)