Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Đối nội - Ngày đăng : 17:25, 02/10/2019

(BKTO) - Đó là nhận định trong Báo cáo cập nhật mới nhất tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á vừa được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) công bố.


                
   

Tăng trưởng GDP một số nước trong khu vực Đông Nam Á- Nguồn: Oxford Economics

   
Theo Báo cáo của ICEAW, tăng trưởng kinh tế chung của khu vực Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2019 đã chậm lại với mức 4%, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là kết quả của sự tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu nội địa Trung Quốc giảm và suy thoái trong chu kỳ điện tử toàn cầu.

Bà Sian Fenner- Cố vấn Kinh tế ICAEW & Trưởng Kinh tế gia Oxford khu vực châu Á- cho biết: “Trong bối cảnh những cơn gió ngược trên toàn cầu đang diễn ra và những kết quả không chắc chắn xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, chúng tôi cho rằng đây sẽ là những yếu tố dẫn đến triển vọng kinh tế trên toàn khu vực tiếp tục sụt giảm, đặc biệt là giữa các nền kinh tế phụ thuộc thương mại. Nhìn chung, tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ ở mức vừa phải 4,5% trong năm nay và ổn định ở mức tương tự vào năm 2020.”

Tuy nhiên, trong khu vực, Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội. Mặc dù năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,7% nhưng con số này vẫn vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực. Điều này phản ánh sự giảm tốc khiêm tốn hơn trong tăng trưởng xuất khẩu và sức bật của nhu cầu nội địa. Việt Nam đã và sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển hướng thương mại tích cực, mặc dù ở đà thấp hơn, cũng như sức cầu mạnh trong nước và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc.

Theo ICAEW, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và nhu cầu nội địa Trung Quốc chậm lại đè nặng lên xuất khẩu và tăng trưởng trên toàn khu vực, Việt Nam dường như là một trong số ít quốc gia được hưởng lợi. Xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng 33% trong nửa đầu năm 2019 đã giúp bù đắp thương mại chậm hơn với Trung Quốc và các nước trong khu vực, cho phép Việt Nam vượt trội so với các nền kinh tế khác. Với sự hỗ trợ từ tốc độ xuất khẩu bền vững và sản xuất công nghiệp theo hướng xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên 6,7% trong quý II/2019, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 6,8% được ghi nhận trong quý I/2019. Trong khi đó, sức tiêu thụ nội địa của Việt Nam dự kiến vẫn mạnh mẽ trong giai đoạn 2019-2020. Chi tiêu hộ gia đình dự kiến vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát ổn định và thu nhập tăng, du lịch bền vững sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành dịch vụ. Ngoài ra, triển vọng trung hạn cho dòng vốn FDI vẫn rất khả quan.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệu ứng chuyển hướng tích cực nhưng theo ICAEW, chính sách thuế tiềm năng từ Mỹ cũng sẽ tạo ra nhiều nguy cơ đối với tăng trưởng của Việt Nam. Ngoài các mức thuế cao hơn đối với một số sản phẩm thép và nhôm đã có, các nhóm sản phẩm máy tính và phụ tùng, dệt may và thủy sản có nguy cơ bị áp thuế cao hơn. Theo ước tính, nếu chính quyền Mỹ tăng thuế 10% đối với 18,4 tỷ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại còn khoảng 5,9% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2021.

“Chúng tôi dự báo rằng các yếu tố đầy thách thức bên ngoài sẽ tiếp tục đè nặng lên sự tăng trưởng chung của các nền kinh tế Đông Nam Á, cũng như các dòng chảy thương mại khu vực. Nhìn về phía trước, tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức vừa phải 6,3% vào năm 2020 và sau đó khoảng 6% mỗi năm. Ngoài ra, chúng tôi cũng thận trọng với thuế quan tiềm năng của Mỹ đối với Việt Nam và tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại nói chung”, ông Mark Billington - Giám đốc khu vực ICAEW, Trung Quốc và Đông Nam Á nhận định.

THÙY LÊ