Ngân hàng và những thách thức trong áp dụng Basel II
Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 07/10/2019
(BKTO) - Theo quy định của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41), kể từ ngày 01/01/2020, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Chuẩn Basel II (tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính). Lộ trình này đòi hỏi sự nỗ lực của các ngân hàng, với không ít khó khăn, thách thức đặt ra.
Các ngân hàng gặp không ít khó khăn, thách thức khi áp dụng Chuẩn Basel II. Ảnh: TTXVN
Nhiều ngân hàng nỗ lực tăng vốntự có
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh hơn thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu. Việc triển khai Basel II cũng giúp ngân hàng nâng cao uy tín và có cơ hội được cơ quan điều hành tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tăng trưởng tín dụng cũng như mở rộng mạng lưới. Chính vì vậy, không chỉ với 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lựa chọn thí điểm triển khai, mà hầu hết các ngân hàng đều đang nỗ lực để có thể tiệm cận được tiêu chuẩn của Basel II.
Đến nay, đã có 17 NHTM đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn, trong đó có 11 NHTM cổ phần và mới đây nhất là Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam đã được NHNN ban hành quyết định cho phép áp dụng Basel II trước thời hạn. Để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng phải thực hiện 3 trụ cột: yêu cầu hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 8%, đánh giá của cơ quan giám sát, nguyên tắc thị trường.
Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực để nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn tự có như: phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, tăng vốn điều lệ theo hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, hay phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó, việc kêu gọi thành công vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cũng giúp đẩy nhanh quá trình tiến đến Basel II. Điển hình như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - 1 trong số 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thí điểm, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn, mới đây, ngân hàng này đã hoàn tất việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là KEB Hana Bank với giá 882 triệu USD. Dự kiến, BIDV sẽ hoàn tất quá trình tăng vốn và có thể áp dụng Basel II ngay trong năm nay.
Ngoài ra, một số ngân hàng chọn phương án cơ cấu lại danh mục tài sản. Thay vì cho vay các danh mục rủi ro cao như bất động sản, các ngân hàng định hướng cho vay với các danh mục rủi ro thấp, sử dụng hiệu quả biện pháp giảm thiểu rủi ro như quản lý tài sản bảo đảm. Vì thế, một số ngân hàng có thể không có động thái tăng vốn, nhưng cơ cấu lại danh mục tài sản, quản lý tài sản đảm bảo thì được ghi nhận giảm thiểu rủi ro, giảm nhu cầu về vốn với danh mục tài sản đó.
Khó hoàn thành lộ trìnhđúng thời hạn
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, chỉ tiêu hệ số CAR yêu cầu ở mức 8% vẫn là một trong những trở ngại lớn khi triển khai Basel II đối với các ngân hàng Việt. Bởi việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II đòi hỏi nguồn tài chính lớn, trong khi nhiều ngân hàng Việt Nam quy mô còn nhỏ. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin, quản trị của các ngân hàng Việt còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, cách tính tài sản rủi ro theo Thông tư 41, ngoài rủi ro tín dụng, ngân hàng phải tính cả tài sản có rủi ro về thị trường, rủi ro hoạt động. Dựa trên tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản có rủi ro thì mẫu số có rủi ro sẽ được làm “phình” ra vì phải cộng thêm các loại tài sản có rủi ro như trên. Do đó, khi triển khai Thông tư 41, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng phải tăng, tức là vốn tự có, vốn chủ sở hữu phải tăng lên để bảo đảm trong tương lai ngân hàng đạt được tỷ lệ an toàn vốn 8%. Bên cạnh đó, ngân hàng phải có một dữ liệu về tất cả những loại tài sản rủi ro của mình từ nhiều năm. Đó là vấn đề các ngân hàng Việt gặp nhiều khó khăn, bởi có những ngân hàng không lưu trữ những dữ liệu một cách thống nhất từ nhiều năm nay.
Mặt khác, thời gian từ nay đến ngày 01/01/2020 không còn nhiều, trong khi thực tế hiện nay một số ngân hàng vẫn đang trong diện kiểm soát đặc biệt, một số ngân hàng đang gặp khó khăn về tài chính thì việc thực hiện Thông tư 41 đúng thời hạn được các chuyên gia đánh giá là khó khả thi.
Đại diện NHNN cho biết, việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II sẽ tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Trước nguy cơ một số ngân hàng khó hoàn thành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào đầu năm 2020, khi sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, NHNN dự kiến bổ sung một số điều khoản cho phép các ngân hàng có thêm thời gian thực hiện Thông tư 41. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giãn hay hoãn việc thực hiện Thông tư 41 mà sẽ có những điều khoản chặt chẽ hơn, đưa vào yêu cầu quy định về hệ số rủi ro cao hơn; đồng thời, thanh tra giám sát sẽ chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng này.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 03-10-2019