Cần tổng hợp đầy đủ để quản lý chặt nợ đọng xây dựng cơ bản

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:50, 07/10/2019

(BKTO) - Một vấn đề đã được KTNN phát hiện và chỉ ra trong suốt nhiều năm qua khi thực hiện kiểm toán Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN là nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) chưa được tổng hợp đầy đủ do thiếu những quy định cụ thể của pháp luật.



Cần xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương không báo cáo trung thực số liệu nợ đọng XDCB. Ảnh: TTXVN

Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương giảm mạnh

Báo cáo của Chính phủ về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng năm 2014 và Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ đọng XDCB nguồn vốn NSNN, trái phiếu chính phủ năm 2013 cho thấy, nợ đọng XDCB tính đến hết năm 2013 là 57.977 tỷ đồng (tăng 11.401 tỷ đồng so với năm 2012), bằng 33,1% kế hoạch vốn năm 2013.

Về tình hình nợ đọng XDCB năm 2014, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, số nợ đọng XDCB đến hết năm 2014 là 86.995 tỷ đồng (NSNN 76.208 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ 10.774 tỷ đồng, nguồn vốn khác 13 tỷ đồng). Trong đó, năm 2015, các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đã bố trí thanh toán nợ đọng XDCB 29.895 tỷ đồng (từ nguồn NSNN là 27.078,9 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là 5,4 tỷ đồng; trái phiếu chính phủ 2.810,6 tỷ đồng). Số nợ đọng XDCB đến hết năm 2014 chưa bố trí kế hoạch vốn để thanh toán 57.100 tỷ đồng (trong đó từ nguồn NSNN là 49.129,4 tỷ đồng; nguồn vốn khác 7,7 tỷ đồng; trái phiếu chính phủ là 7.963,6 tỷ đồng).

Nếu như năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương phải bố trí gần 30.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng XDCB thì từ năm 2016 trở đi, con số này đã giảm rất mạnh. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí để thanh toán nợ đọng XDCB nguồn ngân sách T.Ư chỉ là 9.869 tỷ đồng (gồm trái phiếu chính phủ 810 tỷ đồng và ngân sách T.Ư 9.059 tỷ đồng). Số đã được phân bổ để thanh toán nợ đọng XDCB trong 2 năm 2016 và 2017 là 4.927 tỷ đồng (năm 2016 là 3.121 tỷ đồng và năm 2017 là 1.807 tỷ đồng); số chưa phân bổ đến hết năm 2017 là 4.942 tỷ đồng (trong đó nguồn trái phiếu chính phủ là 678 tỷ đồng và ngân sách T.Ư là 4.264 tỷ đồng).

Đồng thời với đó, số nợ đọng XDCB của các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương được tổng hợp cũng giảm mạnh. Cụ thể, tổng hợp số liệu nợ đọng đến ngày 31/12/2017 của 7 Bộ, ngành, cơ quan T.Ư chỉ là 1.775 tỷ đồng (ngân sách T.Ư 1.291 tỷ đồng; trái phiếu chính phủ 369 tỷ đồng; vốn khác 115 tỷ đồng) và của 49 địa phương là 44.198 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi mà qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2012, 2013, KTNN nêu rõ, nhiều Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có số nợ đọng lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Đơn cử, kết thúc niên độ tài chính năm 2012, KTNN đã dẫn Báo cáo của Chính phủ trong đó nêu rõ danh sách 15 Bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng XDCB trên 1.000 tỷ đồng, trong đó địa phương có số nợ cao nhất lên tới 3.954 tỷ đồng.

Năm tiếp theo, cũng dẫn Báo cáo của Chính phủ, KTNN cho biết, nợ đọng XDCB tính đến hết năm 2013 của khoảng 10 Bộ, ngành, địa phương đã vượt quá trên 1.000 tỷ đồng, trong đó địa phương có số nợ đọng cao nhất là 5.300 tỷ đồng. Hơn nữa, ở những năm trước đó còn có tình trạng phát sinh nợ đọng XDCB mới diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương và một số cơ quan T.Ư; tỷ lệ nợ đọng XDCB so với tổng chi đầu tư phát triển của một số địa phương còn lớn, đáng chú ý, năm 2015, có địa phương có tỷ lệ nợ đọng XDCB so với tổng chi đầu tư phát triển lên đến 232%, cá biệt có địa phương có tỷ lệ này lên đến 786%.

Cần tổng hợp đầy đủ nợ đọng xây dựng cơ bản

Qua kiểm toán quyết toán NSNN niên độ tài chính 2014, KTNN nhận xét, những con số liên quan đến vấn đề bố trí kế hoạch vốn để thanh toán nợ đọng XDCB được đưa ra chỉ là số liệu tổng hợp, không có chi tiết dự án chưa có phương án, lộ trình xử lý trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. KTNN còn chỉ ra 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới trong năm 2014 với tổng số tiền 13.377 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng XDCB của một số địa phương còn lớn so với tổng chi đầu tư phát triển của địa phương; một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB; một số Bộ, cơ quan T.Ư chưa bố trí nguồn vốn để xử lý nợ đọng.

Tại Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015, KTNN tiếp tục dẫn Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, số nợ đọng XDCB vốn ngân sách T.Ư và trái phiếu chính phủ đến ngày 31/12/2014 là 21.416 tỷ đồng, số nợ đọng XDCB vốn ngân sách T.Ư và trái phiếu chính phủ đến hết kế hoạch 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là 14.043 tỷ đồng. Qua thực tế kiểm toán, KTNN đánh giá, số nợ đọng nguồn ngân sách địa phương chưa được tổng hợp để báo cáo Chính phủ theo quy định tại Mục II Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, KTNN cũng nêu rõ, do chưa có quy định về trách nhiệm tổng hợp số liệu nợ đọng XDCB hằng năm và tổng hợp phương án trả nợ XDCB từ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách T.Ư do địa phương quản lý nên không có báo cáo cập nhật tổng hợp về tình hình nợ XDCB của các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương; không có số liệu tổng hợp số nợ đọng XDCB nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn khác.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, qua kiểm toán quyết toán NSNN những năm trước đây, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan xác định rõ nợ đọng XDCB để kiểm soát chặt chẽ, xác định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương không báo cáo đúng đắn, trung thực số liệu nợ đọng XDCB. Năm 2018, qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, KTNN cũng tiếp tục kiến nghị cơ quan hữu quan cần tổng hợp, quản lý và theo dõi việc tổng hợp số liệu nợ đọng XDCB hằng năm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 03-10-2019