50,7% người lao động không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu
Xã hội - Ngày đăng : 17:05, 07/10/2019
(BKTO)- Theo khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên 1 triệu lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, có 49,3% lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng, 50,7% còn lại không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.
Số liệu trên được công bố tại Hội nghị phản biện Xã hội dự luật Bộ luật Lao động sửa đổi dưới góc độ giới do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Ước mơ được nghỉ hưu sớm
Là công nhân thủy sản tại Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long (Quảng Ninh), chị Trần Thị Hường (40 tuổi) cho biết, công việc của chị rất vất vả, ngoài việc phải lao động trong môi trường nóng, lạnh thất thường thì việc thường xuyên phải đứng làm ca kíp cũng rất nặng nhọc.
Theo chị Hường chia sẻ, hầu hết các công nhân nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại thì chỉ 40 tuổi sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nên nhiều người trong công ty chị chỉ chờ đủ 20 năm đóng BHXH để xin nghỉ hưu do không đủ sức khỏe để làm việc tiếp, chứ chưa cần chờ đến đủ 55 tuổi để nghỉ hưu.
Lao động ngành chế biến thủy sản- Ảnh sưu tầm |
"Về hưu sớm mức hưởng rất thấp, nhưng nếu không về cũng không còn đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc. Chúng tôi mong các nhà làm luật lắng nghe ý kiến của những người lao động trực tiếp để có chính sách nghỉ hưu phù hợp", chị Xuyên nói.
Không chỉ với người lao động nữ, anh Trần Đức Thủy là Tổ phó Tổ bốc xếp số 2, Công ty TNHH MTV Cảng Cửa Lò cũng chia sẻ, anh thường xuyên phải bốc xếp hàng nặng ở ngoài bến cảng, dãi nắng dầm mưa và làm việc trong môi trường nhiều khói bụi độc hại. Ở tuổi 43 sức khỏe anh Thủy đã giảm sút đáng kể khi các chứng đau lưng, tức ngực thường xuyên xuất hiện.
Vậy nên dù biết về hưu sớm mức hưởng không đáng là bao, nhưng anh Thủy cũng như nhiều công nhân khác chỉ chờ đủ thời gian đóng BHXH anh sẽ xin nghỉ hưu sớm.
"Chúng tôi biết nhà nước đang chủ trương nghiên cứu tăng tuổi hưu. Thế nhưng thực tế với những lao động trực tiếp làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại thì khi tuổi ngoài 50 đã không thể tiếp tục làm việc.
Do vậy, thay vì tăng tuổi hưu các nhà làm luật có thể nghiên cứu áp dụng giảm tuổi hưu đối với lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc độc hại. Bởi thực tế có nhiều lao động làm việc trong môi trường độc hại, chưa nhận được sổ hưu đã ốm đau triền miên, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà", anh Thủy nói.
Cần có giải pháp linh hoạt khi tính toán tuổi nghỉ hưu
Đây là lần đầu tiên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người lao động về vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động trên diện rộng, với trên 1 triệu lao động.
Đánh giá về con số 49,3% người lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng, 50,7% còn lại không đồng ý tăng tuổi hưu và cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn, bà Nguyễn Thị Thu Hà- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng nên nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt
"Chúng tôi ủng hộ quan điểm có những ngành nghề không chỉ nên nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định", bà Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến. BàHà cũng cho rằng, việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp. Khi tiếp cận ở góc độ quyền và trách nhiệm của người lao động thì cũng nên xem xét và tính đến các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau chứ không thể đánh đồng tất cả người lao động giống nhau.
Bên cạnh đó, bà Hà còn cho rằng, nên phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo bà Hà, quy định như hiện nay dễ dẫn đến hiểu lầm, do đó nên đưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu trên vào Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức… còn khu vực sản xuất kinh doanh đề xuất tăng chậm hơn.
Ông Mai Đức Chính- nguyên Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, không chỉ người lao động muốn nghỉ hưu sớm mà thực tế các chủ sử dụng lao động cũng không muốn sử dụng những người có độ tuổi trên 40. Vì khi sức khỏe đã sụt giảm thì năng suất và hiệu quả làm việc cũng sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.
Nếu kéo dài tuổi hưu, nhiều lao động phải chờ 15-20 năm nữa mới có thể được hưởng lương hưu. Thực tế này sẽ tạo ra tình huống là có rất nhiều người sẽ chọn cách hưởng chính sách trợ cấp một lần thay vì đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Từ thực tế trên, ông Chính cho rằng, không nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp. Còn với lao động gián tiếp phải có sự áp dụng linh hoạt với từng ngành nghề cụ thể.
Bên cạnh đó, ở góc độ về giới, bà Bùi Thị An- Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội cho rằng, Bộ Luật Lao động năm 2012 đã có nhiều điều khoản hỗ trợ bình đẳng giới, nhưng các khoảng cách giới vẫn tồn tại ở nhiều khía cạnh. Một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy hợp lý song tính khả thi lại chưa cao. Do đó, cần sửa đổi một số điều trong Bộ Luật Lao động sửa đổi, góp phần trao cho phụ nữ quyền tự quyết; tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ trong môi trường làm việc cũng như vai trò trong gia đình; thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động; ban hành các chính sách để thu hẹp khoảng cách giới.
THÙY CHI (Tổng hợp)