Doanh nghiệp thực phẩm- đồ uống cần thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới
Đầu tư - Ngày đăng : 16:00, 09/10/2019
(BKTO)- Ngành thực phẩm và đồ uống là ngành có giá trị sản xuất lớn nhất và có tổng doanh thu lớn thứ 02 trong số các ngành hàng kinh tế Việt Nam. Theo dự báo, ngành này sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.
Xu hướng tiêu dùng sạch, tốt cho sức khỏe
Trong khảo sát nhanh của Vietnam Report, có đến 66% các doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng họ sẽ tăng trưởng trong mức doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019, chỉ có 27% cho rằng tăng trưởng dưới 10% và 7% cho rằng kết quả kinh doanh không thay đổi so với năm 2018. Kết quả này được các nhà nghiên cứu của Vietnam Report đưa ra cùng với nhận định, trong bối cảnh thu nhập khả dụng của người dân tăng lên, tỷ lệ dân số trẻ cao và tầng lớp trung lưu phát triển, người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và hướng đến một lối sống xanh và lành mạnh thông qua việc sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ và nguyên liệu sạch.
Qua khảo sát nhanh hành vi người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. HCM cho thấy, ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm thực phẩm- đồ uống đó là thành phần dinh dưỡng đầy đủ (tỷ lệ phản hồi 60,3%), tiếp đến là sản phẩm có nguồn gốc organic (tỷ lệ 51,5%).
Khảo sát nhu cầu người tiêu dùng khi quyết định mua sản phẩm thực phẩm- đồ uống tháng 9/2019- Nguồn: Vietnam Report |
Các chuyên gia cho rằng, trong ít nhất 3 năm tới sẽ là thời điểm đột phá của các thực phẩm hữu cơ và sử dụng các nguyên liệu, bao bì bảo vệ môi trường. Một số chiến dịch về sức khỏe do Chính phủ phát động, kèm theo đó là nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, thực phẩm sạch cũng đã được nâng lên là tín hiệu tốt cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường ngách này. Các nhà sản xuất cũng bắt đầu tham gia nhiều hơn vào việc quảng bá ích lợi liên quan đến sức khỏe trong các sản phẩm của họ.
Minh họa rõ cho nhận định trên là kết quả phỏng vấn các chuyên gia trong ngành thực phẩm- đồ uống khi có đến 46% các chuyên gia nhận định rằng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên sẽ là xu hướng chính của các dòng sản phẩm trên thị trường trong thời gian tới. Đồng thời với đó, 36% chuyên gia nhận định rằng sản phẩm tiện lợi, sản phẩm khác lạ cho giới trẻ cũng là một xu hướng của tương lai gần.
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm thực phẩm- đồ uống trong tương lai gần- Nguồn: Vietnam Report |
Nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch và đồ uống có lợi cho sức khỏe sẽ có những bước chuyển tích cực trong tất cả các phân khúc đi kèm với sự dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao trong tương lai, hứa hẹn cơ hội tăng trưởng mạnh cho các công ty thực phẩm sạch và thức uống có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở các đô thị, thành phố lớn, đối với thực phẩm và đồ uống ngày càng nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, các nhu cầu này cũng được xét kỹ hơn ở các tiêu chí mang tính kỹ thuật cao như truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống từ sản xuất tới phân phối của DN là rất cần thiết để cạnh tranh được ngoài thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày một cao và đa dạng của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cần vượt qua nhiều thách thức
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành thực phẩm- đồ uống cho thấy, trong thời gian 2019-2020, đa số các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với 5 thách thức chính bao gồm: Chất lượng nguồn nhân lực; Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; Nguồn nguyên liệu đầu vào; Quy mô nhỏ; Thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản. Một số thách thức/khó khăn khác do doanh nghiệp đưa ra, mặc chiếm tỷ lệ không nhiều những cũng đáng lưu tâm như thị trường thế giới giảm giá, cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường nội địa.
Top 5 khó khăn/thách thức doanh nghiệp thực phẩm- đồ uống sẽ đối mặt trong giai đoạn 2019-2020- Nguồn: Vietnam Report |
Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng, có hai khó khăn/thách thức chính của các doanh nghiệp trong thị trường.
Thứ nhất, nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đi đôi với đó là các yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu khi các hiệp định thương mại tự do đã được thông qua và có hiệu lực. Ví dụ ngành sữa trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu nguyên liệu; 90% nguyên liệu dầu ăn phải nhập khẩu; các nguyên liệu chính như malt, hoa houblon, chế phẩm enzym... chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải nhập khẩu.
Thứ hai, làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh. Đáng lo ngại, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường, đang dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại, như Vissan, Cầu Tre, Kinh Đô, Bibica, ABC…
Những hoạt động mà doanh nghiệp thực phẩm- đồ uống chú trọng nhất trong năm 2020- Nguồn: Vietnam Report |
Mức độ cạnh tranh trong ngành thực phẩm- đồ uống tại Việt Nam ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp thực phẩm- đồ uống cũng đã khá chủ động trong các chiến lược để bắt kịp xu hướng và khắc phục khó khăn. Trong câu hỏi về các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp trong năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng sẽ tập trung vào đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm (tỷ lệ phản hồi khoảng 95,5%); nghiên cứu thị hiếu của người dùng (68,2%); và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing, nhận diện thương hiệu (45,5%)./.
QUỲNH ANH