Chính sách phát triển hợp tác xã vẫn là câu chuyện dài

Đối nội - Ngày đăng : 09:05, 23/09/2019

(BKTO) - Từ khi còn công tác cho cơ quan nhà nước, tôi đã rất quan tâm đến chính sách đất đai cho các hợp tác xã (HTX). Những năm qua, tôi cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu về các mô hình HTX. Câu hỏi được đặt ra là tại sao trong cơ chế thị trường, HTX lại chậm phát triển hơn khu vực DN, trong khi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đặt vị trí của HTX cao hơn DN rất nhiều, bởi HTX là khu vực kinh tế tập thể, định hướng xã hội chủ nghĩa là phải ưu tiên HTX hơn DN?


Trước hết, về chính sách đất đai cho HTX, có địa phương chia sẻ rằng không có đất giao cho HTX làm trụ sở, nhà xưởng… Trong khi Nghị quyết số 13-NQ/TW năm 2002 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nêu rõ: “Nhà nước giao đất không thu tiền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã nông nghiệp xây dựng trụ sở, làm cơ sở sản xuất, kinh doanh...”. Điều này được đưa nguyên văn vào Luật Đất đai năm 2003 và năm 2013. Quy định như vậy, nhưng một số địa phương không thực hiện, có thể do chưa hiểu luật hoặc chưa biết đây là điều phải làm.

Vấn đề đặt ra nữa là địa phương có đất để giao cho các HTX hay không? Hiện nay, HTX có yêu cầu thì địa phương cũng khó có đất đáp ứng. Bên cạnh đó, pháp luật lại chưa đề cập đến trường hợp thu hồi đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp của các HTX. Vì thế, chính sách đất đai cho HTX rất ưu đãi nhưng vẫn nằm “trên trời”.

Chủ trương chính sách cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất. Tôi cho rằng, điều quan trọng là khi các HTX đã tập hợp được xã viên, thực hiện dồn điền đổi thửa thì HTX phải có quy hoạch đồng ruộng mới có thể đưa sản xuất lên tầm cao. Nhưng hiện nay, các HTX chỉ có quy hoạch nông thôn mới, chứ chưa có quy hoạch đồng ruộng. Quy hoạch nông thôn do Bộ Xây dựng làm, nhưng Bộ Xây dựng sẽ không đủ kiến thức để quy hoạch ruộng đồng, nên có thể chuyển nhiệm vụ này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chúng ta cũng cần nghiên cứu chính sách cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng một số đất nông nghiệp sang làm xưởng chế biến, thậm chí làm cửa hàng để giới thiệu sản phẩm… khi HTX có nhu cầu. Bởi chúng ta đang cần phát triển những liên kết chuỗi giá trị từ cánh đồng ra đến thị trường, ra đến bàn ăn, nếu không cho HTX làm thì không phát triển được. Nhưng hiện nay, chỉ có HTX chăn nuôi dễ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chứ một số HTX sản xuất nông nghiệp khi làm sẽ bị bắt bẻ là trái pháp luật. Vì thế, cần phải quan niệm lại về chính sách đất đai cho HTX, phải thay đổi từ quy hoạch sử dụng đất cho đến quy hoạch đồng ruộng gắn với các HTX sau khi đã tập hợp được đất đai trên quy mô lớn và cho phép HTX chuyển đổi một phần mục đích sử dụng đất. Đây mới là điều quan trọng, là sinh tử của HTX, chứ không phải chỉ là giao đất không thu tiền và nói rằng chính sách đó là rất ưu đãi nhưng thực tế không có đất để giao.

Hơn nữa, cũng cần phải thay đổi quan niệm phát triển HTX dựa vào nhu cầu thị trường, chứ không phải dựa vào chủ trương thành lập HTX để lấy thành tích đạt chuẩn nông thôn mới. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì từng hộ gia đình thấy rằng mình đơn lẻ không làm được, cần phải có sự hợp tác của nhiều hộ với nhau. Phát triển HTX dựa trên cơ sở như vậy thì mới đảm bảo được tính bền vững. Tiếp đó, chúng ta cần phải xem xét nhu cầu đất của HTX thế nào, tổ chức lại sản xuất trên đất đó ra sao, chính sách tín dụng và thuế như thế nào. Tôi rất đồng tình với ý kiến phải có chính sách thuế ưu đãi cho các HTX, bởi thuế đối với các HTX hiện nay không có gì giảm hơn so với DN.

Về chính sách tín dụng, Liên minh HTX Việt Nam đã có quỹ tín dụng riêng. Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ cho phép các HTX vay bằng tín chấp, nhưng cũng quy định giám đốc quỹ tín dụng phải chịu trách nhiệm. Do đó, chính sách tín dụng cũng vẫn “trên trời”, vì chính sách tuy đưa ra rất tiến bộ, rất hay nhưng không áp dụng vào thực tế được, bởi chẳng giám đốc quỹ tín dụng nào dám ký vào khoản cho HTX vay bằng tín chấp, vì nếu khoản vay bị rơi vào nợ xấu thì giám đốc quỹ tín dụng sẽ bị quy tội làm thất thoát tài sản nhà nước. Đó là chưa tính đến tình huống chủ nhiệm HTX có thể ôm tiền bỏ trốn hoặc HTX làm ăn thua lỗ do mất mùa, dịch bệnh…

Do đó, cần phải nghiên cứu nghiêm túc chính sách thuế, tín dụng làm sao để chính sách sát “mặt đất”, sát với người nông dân, làm sao cho người nông dân thấy rằng làm một mình sẽ thua trên thị trường, phải cụm lại với nhau thì mới có thể thắng. Tôi cho rằng, đây chính là việc mà chúng ta cần phải “kích” vào chính sách để mỗi người nông dân thấy HTX là rất cần thiết.

Theo kinh nghiệm trên thế giới, để có sự phát triển nông nghiệp trên quy mô lớn, người ta thường tập trung phát triển 2 mô hình chủ đạo, một là trang trại hộ gia đình, hai là HTX. Thế nhưng, Việt Nam hiện nay lại xem HTX là DN với mô hình DN nông dân. Tôi cho rằng, nếu có mô hình này thì nên gọi là DN HTX, bởi tri thức của HTX bao giờ cũng mạnh hơn tri thức của từng hộ nông dân. Tuy nhiên, mô hình DN nông dân cũng đang có nhiều ý kiến, cần xem có phải là mô hình bền vững hay không, hay chỉ có 2 mô hình trang trại hộ gia đình và HTX mới là bền vững.
GS,TSKH. ĐẶNG HÙNG VÕ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019