Kinh tế tuần hoàn - chìa khóa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường

Đối nội - Ngày đăng : 08:35, 14/10/2019

(BKTO) - Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bởi mô hình ưu việt này vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Nhiều DN trên thế giới đã và đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn và một số DN Việt Nam cũng đã bắt đầu nắm bắt được - ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết.



Khu công nghiệp DEEP C - Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Giảm rác thải nhựa góp phầnbảo vệ môi trường

Đầu tháng 10/2019, tại Khu công nghiệp DEEP C - Hải Phòng, một đoạn đường giao thông dài 200m được làm từ nhựa tái chế đã được khánh thành đưa vào sử dụng, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển Khu công nghiệp DEEP C trở thành khu công nghiệp sinh thái hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng được coi là một minh chứng điển hình trong việc ứng dụng những giải pháp đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Dự kiến, giai đoạn tiếp theo của Dự án này sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2019, với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải nhựa đạt 1,4 km. Đoạn đường này sẽ chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo thay vì trở thành rác thải hoặc bị chôn lấp trong các bãi xử lý rác, tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo. “Những con đường mới, bền hơn và an toàn hơn này không chỉ đem lại lợi ích cho DEEP C và các DN tại đây, mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường khi mà quản lý rác thải nhựa đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam” - Tổng Giám đốc DEEP C Bruno Jaspaert cho biết.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Vinh, Dự án này thể hiện rõ sự đồng hành giữa DN và Chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung và là sự hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa nói riêng trong bối cảnh rác thải nhựa đã trở thành vấn đề toàn cầu và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất. Chính vì thế, mô hình này nên được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề rác thải nhựa, tháng 12/2017, Việt Nam đã chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường của Liên Hợp Quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Canada năm 2018. Cũng trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Phong trào này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nâng tầm qua “Lễ Ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội trong việc nói không với túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần vào ngày 06/9/2019.

Dần thúc đẩy nền kinh tếtuần hoàn

Theo các chuyên gia, cơ hội để phát triển bền vững mở ra cho các DN là rất lớn, ước lượng khoảng 12.000 tỷ USD/năm cho các DN hoạt động trong các ngành công nghiệp khác nhau. Trong đó, cơ hội của kinh tế tuần hoàn mở ra khoảng 4.500 tỷ USD cho các DN. Có thể nói, khái niệm “kinh tế tuần hoàn” là mới nhưng thực tiễn lại không phải là mới đối với các DN Việt Nam. Vấn đề quan trọng là các DN ứng dụng tư duy kinh tế tuần hoàn vào mô hình kinh doanh của mình như thế nào. Do đó, cần phải tăng cường chia sẻ với cộng đồng DN về giá trị mà nền kinh tế tuần hoàn đem lại cho xã hội và DN.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, ở Việt Nam, từ năm 2016, VBCSD đã khởi xướng Chương trình Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc nâng cao nhận thức cho DN. Năm 2017, VBCSD thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN triển khai kinh tế tuần hoàn trong các ngành khác nhau. Năm 2018, Dự án hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn đầu tiên ra đời - Dự án Zero Waste to Nature (Không xả thải vào thiên nhiên), qua đó nhận được sự cam kết ủng hộ của cả DN và chính quyền địa phương về việc thí điểm phân loại rác thải nhựa tại nguồn tại quận Bình Thạnh (TP. HCM) và sắp tới, Dự án có thể được triển khai rộng rãi tại Đà Nẵng, Hà Nội. Một dự án nữa là “Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp” - đây là “sân chơi” để các DN có thể trao đổi, mua bán các nguyên vật liệu thứ cấp của nhau…

Chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Ernesto Hartikainen - Chuyên gia cao cấp của SITRA (Quỹ Phát triển đổi mới sáng tạo Phần Lan) - cho biết, ngay từ năm 1967, Phần Lan đã định hình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để đảm bảo thành công trong tương lai. Theo đó, SITRA đã ra đời và thực hiện: dự báo những xu hướng lớn trên thế giới và đánh giá tác động; tập huấn các Bộ, ngành nâng cao năng lực; phát triển kinh tế tuần hoàn trung tính về carbon; tham gia các diễn đàn, dự án phục vụ phát triển kinh tế bền vững; thúc đẩy các mô hình sản xuất tái tạo và phục hồi, giảm thiểu rác thải, kết nối tiêu thụ hàng hóa, sử dụng dịch vụ đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả và thân thiện với môi trường…

Từ thực tiễn của Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trước tiên, các DN cần phải có hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn và được hỗ trợ để triển khai. Nhưng hiện tại, chúng ta chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn, do đó cần phải có sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các cơ quan nhà nước, trước mắt, cần rà soát lại khung pháp lý để hỗ trợ DN thực hiện kinh tế tuần hoàn.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019